“Mạnh tay” với thuốc lá điện tử

2 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng nhanh ở mức báo động (từ 3,5% năm 2022 đến 8% năm 2023). Bộ Y tế đề xuất cần có nghị quyết của Quốc hội để có thể cấm các sản phẩm này được sản xuất, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Một cửa hàng bán thuốc lá điện tử. Ảnh: PHẠM ĐẮC
Một cửa hàng bán thuốc lá điện tử. Ảnh: PHẠM ĐẮC

Gây hại tràn lan

Thống kê từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tại đây đều tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân ngộ độc từ tinh dầu thuốc lá điện tử, trong đó, có nhiều ca nặng. Tháng 7 năm ngoái, Trung tâm liên tiếp tiếp nhận các trường hợp ngộ độc tinh dầu thuốc lá điện tử chứa ma túy. Các bệnh nhân đều còn trẻ song đã có nhiều năm sử dụng thuốc lá điện tử. Biểu hiện chung là thường xuyên gặp ảo giác, có xu hướng bạo lực, sức khỏe giảm sút, đặc biệt có bệnh nhân phải lọc máu, thở máy. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh dầu có trong thuốc lá mà các bệnh nhân sử dụng đều chứa từ 3-5 loại ma túy tổng hợp.

Còn vào tháng 11/2023, một nam sinh cấp cứu trong tình trạng kích động, co giật, vã mồ hôi. Người nhà cho biết, em sử dụng một loại thuốc lá điện tử dạng giống hộp sữa có ma túy tổng hợp. Bệnh nhân đã sử dụng thuốc lá điện tử một năm. Khi đo chức năng hô hấp, phát hiện bị xơ hóa phổi, thông khí kém, tắc nghẽn mãn tính. Tháng 12/2023, hai thanh niên ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Bệnh nhân 23 tuổi nhập viện được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới, có cơn co giật toàn thân. Xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến, phát hiện các chất ma túy cần sa tổng hợp.

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xuất hiện khoảng 10 năm gần đây tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại tới sức khỏe của người sử dụng. Các sản phẩm này giống như những sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đều chứa chất nicotine, đây là chất gây nghiện, khiến những người sử dụng lệ thuộc vào sản phẩm này. Nicotine vừa là chất gây nghiện, vừa là chất độc bảng A gây tác hại lên hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ thần kinh. Chất này có thể gây ra các trường hợp ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn chứa hơn 16 nghìn chất để tạo hương vị, mùi vị hấp dẫn người sử dụng. Các hương vị được đưa vào để làm giảm độ gắt của sản phẩm thuốc lá, tạo ra mùi thơm làm cho người sử dụng nhầm tưởng rằng, sản phẩm này không độc hại như sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, những chất hương liệu này khi được nung nóng, hóa thành hơi thì tạo ra những chất trung gian gây độc cho cơ thể.

Thiếu cơ chế quản lý rõ ràng, chặt chẽ

Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện 10 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Một khoảng trống trong Luật là các sản phẩm thuốc lá mới lại chưa được điều chỉnh, chưa có một cơ chế quản lý rõ ràng, chặt chẽ. “Để sửa Luật cần rất nhiều thời gian, theo các quy trình, thủ tục và thời gian tối thiểu phải mất từ 2-3 năm. Trong khi thực tế, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng rất nhanh tại Việt Nam trong tất cả các độ tuổi, đặc biệt, độ tuổi học sinh-sinh viên và gây tác hại đối với sức khỏe”, bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn kịp thời các tác hại trước mắt cũng như lâu dài khi sử dụng các loại thuốc lá mới này, cần phải có quyết sách rất nhanh chóng như Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết quy định việc cấm sử dụng, sản xuất, lưu hành cũng như quảng cáo các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.

Theo các chuyên gia, căn cứ vào cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hết sức cần thiết. Tại Nghị quyết 20 của BCH T.Ư tại Hội nghị lần thứ 6 của BCH T.Ư Đảng đã đưa ra các nội dung: Cần phải thực hiện các giải pháp để giảm việc sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu bia. Trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, một trong những mục tiêu quan trọng là giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá. Bên cạnh đó, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử tại cộng đồng.

2 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng nhanh ở mức báo động (từ 3,5% năm 2022 đến 8% năm 2023). Bộ Y tế đề xuất cần có nghị quyết của Quốc hội để có thể cấm các sản phẩm này được sản xuất, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam.