Giải quyết vấn đề bạo lực trong trường học

NDO -

Ngày 23-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Tổ chức Plan International Việt Nam sơ kết giữa kỳ mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng tại năm tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum giai đoạn 2018-2022.

Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng.
Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng.

Đây là mô hình có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để góp phần giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường, đi đúng định hướng của Chính phủ trong giải quyết vấn đề bạo lực trong trường học, do đó cần được nhân rộng triển khai.

Sau hai năm triển khai, nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25%, giáo viên đã tăng thực hành các hình thức kỷ luật tích cực và không còn trừng phạt thân thể và tinh thần; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp.

Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ, người thân và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.

Phó Vụ trưởng Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV Lê Thị Hằng cho biết, thành công quan trọng của dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, bao gồm: Nâng cao năng lực của các trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trong và chung quanh trường học; học sinh nam và nữ của các trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học.

Sở GD và ĐT năm tỉnh nêu trên đã nhân rộng mô hình trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng, tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn hệ thống trường học tại các tỉnh trong thời gian tới.

Dự án nhân rộng mô hình "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" đang được triển khai tại 47 trường THCS, THCS dân tộc bán trú trên 13 huyện thuộc năm tỉnh từ 8-2018 đến tháng 6-2021. Với mục tiêu học sinh nam, nữ học tập tại 47 trường THCS tại Hà giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum được bảo vệ tốt hơn trước các hành vi bạo lực giới trong trường học và cảm thấy an toàn hơn khi ở trường.

Bên cạnh đó, khoảng 11 nghìn học sinh nam, nữ độ truổi 11 đến 15 đang học tại 47 trường tại năm tỉnh nêu trên sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án thông qua các can thiệp tổng thể với hơn 11 nghìn học sinh, 20.580 phụ huynh và hơn 1.620 thầy cô, cán bộ nhà trường.