Sự ra đời của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - "Hiến pháp về biển và đại dương" - là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Trong 40 năm qua, Công ước luôn đóng vai trò là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động quản lý và sử dụng biển và đại dương.
Với tinh thần thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ, mục tiêu và các nguyên tắc của Công ước, nghiêm túc tuân thủ và thực thi Công ước, kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tích cực tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến cho các hoạt động trong khuôn khổ các thiết chế được thành lập theo Công ước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với Công ước; thúc đẩy hợp tác quốc tế trên biển trên cơ sở quy định của Công ước và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc năm 2015.
Nhân dịp này, Việt Nam nhấn mạnh các quốc gia cần tiếp tục tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước và luật pháp quốc tế, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.
Nhân 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được chính thức mở ký (10/12/1982), phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có cuộc trao đổi với ông Pavel Gudev - chuyên gia luật biển quốc tế, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga về vai trò của UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp về biển.
Chuyên gia Gudev nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước. Ông cho rằng UNCLOS 1982 có thể được xem như Hiến pháp về biển vì có vai trò điều chỉnh hầu hết các hạng mục sử dụng về biển như khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, giao thông hàng hải…
Trong UNCLOS 1982, các phương pháp đàm phán và ra quyết định hoàn toàn độc đáo cũng đã được sử dụng. Lần đầu tiên Công ước đưa ra cách tiếp cận trọn gói trong việc đưa ra quyết định, giúp đàm phán giữa các bên diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Gudev, UNCLOS 1982 ra đời đã đưa ra những phạm trù mới, như nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vùng đáy biển quốc tế. UNCLOS 1982 cũng là công ước đi tiên phong trong khái niệm di sản chung của nhân loại.
Đồng quan điểm với chuyên gia Nga, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm Luật quốc tế - Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh việc UNCLOS 1982 được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu phê chuẩn, trong đó có cả những quốc gia không có biển như Lào, Mông Cổ hay Thụy Sĩ, cho thấy các quy định của Công ước được cộng đồng quốc tế ghi nhận một cách rộng rãi.
Theo Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, do UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia, nên công ước này thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới.
Nguyên tắc quan trọng nhất về giải quyết tranh chấp mà UNCLOS đưa ra là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Việc thực thi Công ước sẽ làm giảm thiểu các khu vực chồng lấn và quản lý các tranh chấp một cách hiệu quả hơn, tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tiến sĩ Vũ Hải Đăng nhắc lại Việt Nam là nước đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 vào tháng 6/2021. Vai trò quan trọng nhất của Nhóm bạn bè UNCLOS là thúc đẩy, tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò quan trọng của UNCLOS như là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của tất cả các quốc gia trên biển. Các hoạt động của Nhóm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thượng tôn luật pháp quốc tế.