Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được mở ký chính thức ngày 10/12/1982. Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1994.
Nhân dịp 40 năm UNCLOS được ký kết, phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc đã phỏng vấn Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, về ý nghĩa của thỏa thuận đối với thế giới và Việt Nam.
Phóng viên: Theo Đại sứ, trong 40 năm qua, UNCLOS đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển của các quốc gia và đời sống quốc tế, trong đó, có công việc chung của Liên hợp quốc?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Từ khi được thông qua cho tới nay, UNCLOS luôn được coi là một trong những điều ước quốc tế phổ quát, mang tính nền tảng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia. UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia về các vấn đề biển, đại dương vốn chiếm tới 70% diện tích toàn cầu, cùng rất nhiều nguồn lợi, tài nguyên lớn. Vai trò quan trọng đó của UNCLOS thể hiện ở những nét chính sau.
Thứ nhất, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế mang tính bao quát, toàn diện nhất về các vấn đề biển, đại dương, điều chỉnh toàn diện và cân bằng giữa quyền của các quốc gia ven biển và quyền tự do biển cả của các nước khác.
Do đó, UNCLOS thường được coi như “Hiến pháp của các đại dương,” được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới công nhận là khuôn khổ pháp lý toàn cầu điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
Thứ hai, Công ước là căn cứ để các nước xác lập các yêu sách biển khác nhau phù hợp luật pháp quốc tế, giảm bớt những yêu sách biển quá mức, từ đó giúp giảm thiểu các tranh chấp hoặc tạo cơ sở để các bên tranh chấp có thêm cơ sở pháp lý rõ ràng, hệ thống để giải quyết các khác biệt một cách hòa bình. UNCLOS cũng xây dựng các cơ chế pháp lý để giải quyết các tranh chấp biển.
Thứ ba, Công ước cũng là căn cứ để cộng đồng quốc tế triển khai các hoạt động trên biển, sử dụng tài nguyên biển dựa trên những quy định chung, thống nhất, như các hoạt động vận tải biển, khai thác dầu khí... UNCLOS tạo ra không gian để sử dụng tài nguyên biển cùng lúc với nghĩa vụ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.
Trên cơ sở UNCLOS, các nước tiếp tục đàm phán các thỏa thuận khu vực và quốc tế, cụ thể hoá các lĩnh vực hợp tác quản lý biển, như Hiệp định đàn cá di cư năm 1994 hay văn kiện đang được đàm phán về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ), hay Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) cho khu vực Biển Đông. UNCLOS cũng giúp xác định các biện pháp đối phó với những mối đe dọa chung liên quan đến biển, như cướp biển, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường biển.
Quá trình hình thành và phát triển của UNCLOS luôn song hành với nhu cầu và quyết tâm phát triển bền vững của xã hội quốc tế hiện đại. Với những tác động quan trọng đó, UNCLOS đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia về biển, thúc đẩy các hoạt động khai thác biển, mang lại khả năng sử dụng những nguồn lợi lớn, lâu dài từ biển.
Trong bối cảnh hoạt động trên biển ngày càng tăng về tần suất và đa dạng về loại hình, đặt ra các thách thức lớn về biển, các hội nghị đại dương năm 2017 và 2022 là diễn đàn chính thức của Liên hợp quốc thảo luận về phương hướng phát triển bền vững biển và đại dương đều khẳng định việc thực hiện nghiêm túc UNCLOS không chỉ là khuôn khổ mà còn là tiêu chí để sớm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, vì sự phát triển của tất cả các quốc gia.
Phóng viên: Thưa Đại sứ, UNCLOS 1982 đã được áp dụng như thế nào trong giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới nói chung và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng, trong đó có tranh chấp Biển Đông?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các yêu sách và hoạt động của các nước về biển. Do đó, UNCLOS có vai trò nền tảng trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới, cụ thể ở các góc độ chính sau.
Trước hết, UNCLOS đề ra các quy định để các nước đưa ra các yêu sách biển, qua đó hạn chế các yêu sách quá mức, thiếu cơ sở từng có trước đây, phòng ngừa việc phát sinh va chạm và mâu thuẫn. Nếu phát sinh khác biệt giữa các nước, như các vùng biển chồng lấn, hoặc những khác biệt khách quan trong việc áp dụng và giải thích Công ước, thì Công ước có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cũng như thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp, như Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS), cũng như các cơ chế trọng tài, hòa giải, các biện pháp tạm thời... mà các quốc gia có thể linh hoạt lựa chọn. Đặc biệt, UNCLOS khẳng định nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Ngoài ra, các quy định, cơ chế được UNCLOS đề ra cũng được nhiều cơ chế pháp lý quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), các tòa án khu vực, hoặc chính các quốc gia liên quan các tranh chấp vận dụng trong quá trình xử lý các vụ việc.
Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước Đông Nam Á đều hết sức coi trọng và sử dụng UNCLOS trong giải quyết tranh chấp biển, từ việc đề cao nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp, đến việc đạt giải pháp về các vụ việc cụ thể. Các kết quả quan trọng như DOC, giải quyết tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về cải tạo đảo (2003), giữa Australia và Timor Leste về phân định biển (2018), giữa Philippines và Trung Quốc (2016)... đều dựa vào các quy định của UNCLOS.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, đồng chủ trì phiên toạ đàm. (Ảnh: TTXVN) |
Phóng viên: Đối với Việt Nam, UNCLOS có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Việt Nam là một quốc gia ven biển và có nhiều hoạt động trên biển, từ các hoạt động truyền thống như khai thác dầu khí, đánh bắt cá, hàng hải cho đến những hoạt động mới như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Chiến lược biển Việt Nam 2018 đã xác định kinh tế biển, sử dụng bền vững biển là một trọng tâm lớn trong chiến lược phát triển của đất nước. Chính vì vậy, với ý nghĩa như nêu trên, UNCLOS có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định cũng như phát triển lâu dài của Việt Nam.
Thứ nhất, nhờ các quy định của UNCLOS, mặc dù còn những phức tạp nhất định, chúng ta đã xác lập và thực thi, quản lý được các vùng biển, các quyền và lợi ích trên biển, xác định cương vực của đất nước một cách phù hợp luật pháp quốc tế, được tuyệt đại đa số các nước công nhận. Trên cơ sở UNCLOS, ta đã đàm phán phân định biển với nhiều nước láng giềng như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc (trong Vịnh Bắc Bộ)... Đây là căn cứ quan trọng để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.
Thứ hai, trên cơ sở UNCLOS, ta đã triển khai được nhiều hoạt động kinh tế biển lớn, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ khai thác dầu khí tới khai thác, xuất khẩu thủy hải sản, thúc đẩy thương mại, góp phần thiết yếu vào sự phát triển kinh tế-xã hội của ta trong những năm qua.
Thứ ba, UNCLOS là căn cứ để Việt Nam hợp tác với các nước liên quan để giải quyết nhiều thách thức từ suy thoái môi trường và hệ sinh thái biển, cũng như các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng, acid hóa đại dương hay các thiên tai, thảm họa thiên nhiên.
Thứ tư, trên cơ sở bảo đảm các chính sách, luật pháp, quy định của Việt Nam đều phù hợp với UNCLOS, ta có thêm điều kiện để khẳng định các cam kết, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thực hiện đầy đủ UNCLOS, cũng như giúp tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế đối với các vấn đề biển của Việt Nam.
Phóng viên: Việt Nam đóng góp như thế nào vào việc thực hiện UNCLOS của cộng đồng quốc tế tại Liên hợp quốc?
Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Là một quốc gia ven biển và nhận thức rõ tầm quan trọng của các vấn đề biển nói chung, UNCLOS nói riêng, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực về UNCLOS. Việt Nam là một trong các nước đầu tiên ký thông qua văn kiện này năm 1982, cũng như phê chuẩn để UNCLOS có hiệu lực vào tháng 11/1994.
Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tiến hành xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển. Ta luôn tích cực cùng với các nước khẳng định vai trò của UNCLOS với tư cách “Hiến pháp của các đại dương” tại các diễn đàn quốc tế liên quan, từ Hội nghị của các quốc gia thành viên UNCLOS, thương lượng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dương và luật biển, thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 2021 về an ninh biển, các hội nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững biển và đại dương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia vào các quy trình, cơ chế được thành lập theo UNCLOS, như đệ trình Báo cáo về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009, hay đề cử trọng tài viên, hòa giải viên cho các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS năm 2020. Tháng 8 vừa qua, ứng cử viên của Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý-Kỹ thuật thuộc Cơ quan Quyền lực đáy đại dương, đánh dấu lần đầu tiên có một nhà khoa học biển của Việt Nam tham gia vào một cơ quan của UNCLOS.
Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong tiên phong đề cao luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng. Tháng 6/2021, Việt Nam khởi xướng thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS, tạo diễn đàn để các nước trao đổi, thảo luận kinh nghiệm về áp dụng và giải thích UNCLOS trong quản lý và sử dụng biển, tìm kiếm và khuyến khích các cơ hội hợp tác, thúc đẩy hơn nữa các cam kết thực hiện UNCLOS trong Liên hợp quốc. Đến nay Nhóm đã có gần 120 nước từ tất cả các khu vực địa lý, bao gồm cả các quốc gia phát triển, đang phát triển và các nước đảo nhỏ.
Gần đây nhất, tháng 10/2022, Việt Nam cùng với 15 nước khác giới thiệu sáng kiến về việc xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước về biến đổi khí hậu trên cơ sở các điều ước quốc tế liên quan, bao gồm cả UNCLOS.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc thúc đẩy sáng kiến sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cộng đồng quốc tế tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm thông qua việc sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách bền vững.