UNCLOS-Nền móng trật tự quốc tế trên biển

Ngày 10/12/1982, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển luật pháp quốc tế. Được ví như "Hiến pháp của biển và đại dương", UNCLOS ra đời, góp phần giải quyết nhiều mâu thuẫn, tạo nền móng vững chắc cho trật tự quốc tế ở các đại dương và vùng biển thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Kỷ niệm 40 năm Ngày thông qua UNCLOS tại trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh TTXVN)
Kỷ niệm 40 năm Ngày thông qua UNCLOS tại trụ sở Liên hợp quốc. (Ảnh TTXVN)

Năm 1958, tại Geneve (Thụy Sĩ), Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ nhất, với 86 nước và tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị đã thông qua bốn Công ước về Luật Biển đầu tiên, tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh các hoạt động liên quan biển và đại dương. Năm 1960, Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ 2 được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại ở Hội nghị lần thứ nhất, tuy nhiên không đạt được kết quả như mong muốn.

Năm 1973, tại New York (Mỹ), Liên hợp quốc triệu tập Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ 3 với sự tham gia của 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, thảo luận về một Công ước toàn diện hơn về Luật Biển. Trải qua 9 năm với 11 vòng đàm phán, ngày 30/4/1982, văn bản cuối cùng của UNCLOS được nhất trí thông qua và chính thức mở ký ngày 10/12/1982, tại Vịnh Montego của Jamaica. Ngày 16/11/1994, UNCLOS chính thức có hiệu lực, đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Luật Biển quốc tế đương đại. Đến nay, UNCLOS có 168 thành viên.

UNCLOS có 17 phần, 320 điều khoản và 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo, tạo nên một khuôn khổ toàn diện về quy chế pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Những nội dung chính của Công ước gồm phạm vi, quy chế pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ở các vùng biển; các cơ chế giải quyết tranh chấp; quy định về bảo tồn tài nguyên, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển; quy định về nghiên cứu khoa học biển, chuyển giao công nghệ.

Được đánh giá là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS tạo ra khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm điều chỉnh mọi hoạt động trên biển. Tính toàn diện của UNCLOS thể hiện ở sự thỏa hiệp toàn cầu, có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới, dù là có biển hay không có biển. Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 40 năm thông qua UNCLOS, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề pháp lý Miguel de Serpa Soares cho rằng, thành công lâu dài của Công ước có được là nhờ tinh thần thỏa hiệp, trong đó các quốc gia chủ yếu hoạt động dựa trên sự đồng thuận và cân bằng về quyền và nghĩa vụ.

UNCLOS là công cụ quan trọng để các nước giải quyết tranh chấp, khác biệt về biển và đại dương, góp phần bảo vệ trật tự pháp lý trên biển. Trong suốt 40 năm qua, kể cả các nước chưa phê chuẩn UNCLOS, đều viện dẫn Công ước như một căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích. Một đặc trưng của UNCLOS đó là tính chất "trọn gói", nghĩa là một khi đã ký Công ước, các nước không thể lựa chọn những phần muốn tham gia, mà phải tuân thủ tất cả quy định trong Công ước. Điều này góp phần bảo đảm tính toàn vẹn của một khuôn khổ pháp lý toàn diện đối với mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Theo Ủy ban Biên giới quốc gia, Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình xây dựng UNCLOS từ sớm. Ngày 23/6/1994, Việt Nam là quốc gia thứ 63 phê chuẩn UNCLOS. Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam khi đó khẳng định rõ, bằng việc phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.

Quá trình tuân thủ và thực thi Công ước của Việt Nam được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như việc Việt Nam đã chuyển hóa các quy định của UNCLOS vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia. Năm 2012, Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam với hầu hết nội dung tương thích UNCLOS. Các hiệp định phân định biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng được thực hiện đúng nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Trong đấu tranh chống những hành động xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định rõ quan điểm kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, cũng như các thỏa thuận song phương, đa phương về các vấn đề trên biển; mong muốn cùng các bên giải quyết hòa bình những khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Năm 2021, Việt Nam tham gia khởi xướng Nhóm bạn bè UNCLOS tại Liên hợp quốc. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên UNCLOS, Đại sứ Vanessa Frazier khẳng định: Với 115 thành viên đến từ tất cả các nhóm khu vực, Nhóm sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi các vấn đề về biển và đại dương. Là một trong những thành viên sáng lập, Việt Nam tiếp tục thể hiện tinh thần chủ động, có trách nhiệm trong công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có các vấn đề về biển và đại dương.