Vai trò nền tảng và giá trị phổ quát trong quản trị biển và đại dương của UNCLOS

Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 40 năm thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UNCLOS ngày càng thể hiện vai trò và ý nghĩa quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, và thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa giao lưu văn nghệ với học sinh Trường tiểu học Song Tử Tây. (Ảnh PHAN SÁU)
Ðoàn đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa giao lưu văn nghệ với học sinh Trường tiểu học Song Tử Tây. (Ảnh PHAN SÁU)

"Hiến pháp của biển và đại dương", 40 năm còn nguyên giá trị

Sau quá trình gần 30 năm pháp điển hóa và phát triển Luật Biển, trải qua 3 Hội nghị Luật Biển, trong đó Hội nghị lần thứ 3 kéo dài tới 9 năm (1973-1982) với sự tham gia của hầu như tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, ngày 10/12/1982, UNCLOS đã được nhất trí thông qua. Bản "Hiến pháp về biển và đại dương" bao gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. Sau Hiến chương Liên hợp quốc, với 168 quốc gia thành viên, UNCLOS được đánh giá là văn kiện pháp lý quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự ra đời của UNCLOS đã hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Ðây cũng là lần đầu tiên chế định pháp lý về Vùng đặc quyền kinh tế được chính thức ghi nhận, giải quyết được sự dung hòa về lợi ích giữa các quốc gia khi một mặt ghi nhận những đặc quyền cho quốc gia ven biển trong một số lĩnh vực, mặt khác vẫn bảo đảm một số quyền tự do cho tất cả quốc gia.

UNCLOS yêu cầu các quốc gia thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói và không cho phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, ngoại trừ những tuyên bố cụ thể theo quy định của Công ước, bảo đảm việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Công ước.

Bên cạnh đó, với giá trị mang tính cốt lõi, toàn diện và bao trùm của bản "Hiến pháp của biển và đại dương", UNCLOS còn là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương. Ngoài ra, UNCLOS cũng quy định cơ chế bắt buộc nhằm giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong giải thích và áp dụng Công ước.

Sau một quá trình dài hình thành và 40 năm thực hiện, UNCLOS đã ngày càng chứng tỏ được vai trò và ý nghĩa phổ quát, toàn diện đối với các vấn đề về biển và đại dương trên toàn cầu. Cùng với sự phát triển của nhân loại, một trật tự dựa trên luật pháp ngày càng được củng cố và đề cao, trong đó, UNCLOS luôn giữ giá trị và tầm quan trọng hàng đầu.

Việt Nam-thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNCLOS

Với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận thức rõ ràng vai trò và tầm quan trọng lớn lao của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước ta từ trước đến nay. Ðặc biệt, Báo cáo Chính trị tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI lần đầu tiên ghi nhận rõ ràng và đầy đủ vai trò của UNCLOS trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển.

Ngay từ quá trình thương lượng xây dựng văn kiện cho đến khi UNCLOS có hiệu lực, Việt Nam đã luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm, thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương. Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".

Là một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước, trong những năm qua, trên tinh thần tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển, đồng thời hợp tác với các nước trong các lĩnh vực biển phù hợp với các quy định của Công ước theo hướng bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững.

Cách đây 10 năm, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Ðây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Trong quá trình triển khai đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ðại hội đồng và thành viên Hội đồng của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương. Việt Nam tham gia đầy đủ Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước được tổ chức hằng năm tại Ðại hội đồng Liên hợp quốc và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Công ước; tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương...

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế tích cực và chủ động hiện nay, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận như việc cùng Phái đoàn đại diện 11 nước đồng sáng lập ra Nhóm các nước bạn bè của UNCLOS tại Liên hợp quốc, với hơn 100 nước thành viên; tham gia và có nhiều đóng góp có chất lượng trong các cuộc thảo luận đàm phán xây dựng văn kiện quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài phạm vi vùng tài phán quốc gia; tự tin thể hiện bản lĩnh và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực có liên quan đến biển và đại dương.

Có thể thấy rằng, sau 40 năm kể từ khi được chính thức thông qua, UNCLOS vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị tiến bộ, phổ quát, mang tính nền tảng cho các vấn đề về biển và đại dương trên toàn thế giới. Ðóng góp vào quá trình phát triển của UNCLOS, Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò là một quốc gia thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước, luôn đề cao giá trị, tôn trọng và thực thi đầy đủ Công ước, đồng thời qua đó cũng khẳng định vị thế, vai trò, bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.