Ngay từ tháng đầu tiên của năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) Nguyễn Hoàng Anh đã ban hành Chương trình hành động của Ủy ban thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Giao chỉ tiêu tài chính cao hơn
Thông tin từ Ủy ban cho biết đến nay, Ủy ban đã phê duyệt, chấp thuận theo thẩm quyền về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 của 13/19 doanh nghiệp trực thuộc, số còn lại đang rà soát, hoàn thiện, thẩm định và sẽ phê duyệt trong quý I/2024. Như vậy, tiến độ được đẩy sớm hơn từ 1-3 tháng so với thời hạn quy định.
Đáng lưu ý, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty là đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư lớn, dự án trọng điểm của Nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng sẽ triển khai và tiếp tục giải ngân đầu tư các dự án nguồn điện quan trọng như dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 6.537 tỷ đồng; Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vốn đầu tư hơn 1.227 tỷ đồng; khởi động dự án Nhà máy điện Ô Môn… Trong lĩnh vực giao thông vận tải, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư các dự án lớn như dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2023, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban về triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các chỉ tiêu tài chính, nhất là đóng góp ngân sách nhà nước vào tăng trưởng phải cao hơn năm 2023; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh-xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Khơi thông nguồn lực đầu tư
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn lực lớn đang nắm giữ, một trong những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra là phải sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) vì trong những năm qua, nhất là sau khi Ủy ban được thành lập vào năm 2018, một số quy định của Luật số 69/2014/QH13 không còn phù hợp với thực tiễn.
Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Luật 69 (sửa đổi). Trường hợp dự kiến thời gian kéo dài do đây là luật khó, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất sửa đổi ngay một số điều trong Luật 69 theo trình tự thủ tục rút gọn, có hiệu lực sớm nhất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính trong tháng 3/2024 trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn Luật số 69
liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cổ phần hóa, thoái vốn, gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn lực khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Góp ý cho dự án Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Luật cần bảo đảm nguyên tắc vốn nhà nước đầu tư được xác định là tài sản của doanh nghiệp, tách bạch giữa chức năng quản lý vốn và sở hữu vốn, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp để đáp ứng chuẩn mực quốc tế… Tháo gỡ được những nút thắt này sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan soạn thảo dự kiến đề xuất sửa đổi căn bản các nội dung của Luật số 69 thông qua sáu nhóm chính sách. Cụ thể, về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, sẽ xác định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch. Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp sẽ quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ được sửa đổi theo hướng quy định cụ thể, phân cấp rõ trong Luật để bảo đảm chủ động và xác định rõ thẩm quyền trình tự, thủ tục, rõ trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp...
Dự kiến các chỉ tiêu tài chính của 19 tập đoàn, tổng công ty đề ra trong năm 2024 là phấn đấu đạt tổng doanh thu 1,19 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế (không bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam) 40,99 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 60,67 nghìn tỷ đồng.
Về nhiệm vụ xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban dự kiến trình các cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với 3 dự án còn lại trong quý II/2024.
Nguồn: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp