Giải phóng nguồn lực đầu tư công, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng

NDO - Luật Đầu tư công (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Các chính sách mới được quy định trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các chính sách mới được quy định trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ phát huy hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Việc sửa đổi và bổ sung một số chính sách trong luật này sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Thông tin về luật này, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo phương châm “hậu kiểm” thay vì “tiền kiểm”, đồng thời chuyển từ tư duy “quản lý” sang “quản lý cho kiến tạo phát triển” và “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cắt giảm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”.

Luật này cũng sẽ thúc đẩy phân cấp, phân quyền, giúp phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự linh hoạt và chủ động hơn cho các cấp, ngành trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Điểm đặc biệt của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là các chính sách phân cấp thẩm quyền rõ ràng, giúp quá trình điều chỉnh và thực hiện kế hoạch đầu tư công trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cụ thể, quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sẽ được chuyển từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.

Giải phóng nguồn lực đầu tư công, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng ảnh 1

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm.

Ngoài ra, luật cũng nâng quy mô vốn đầu tư công của các dự án quan trọng quốc gia lên mức 30 nghìn tỷ đồng trở lên, đồng thời cho phép các bộ, cơ quan Trung ương có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A dưới 10 nghìn tỷ đồng.

Trong khuôn khổ Luật Đầu tư công (sửa đổi), một điểm nổi bật là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, luật cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương và các khoản vốn cho vay lại từ ngân sách địa phương mà không phụ thuộc vào tỷ lệ cấp phát và cho vay lại.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định rõ ràng về các quy trình phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn nước ngoài. Đồng thời, quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn và giải ngân vốn nước ngoài cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án.

Với các chính sách mới này, Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ góp phần giải phóng nguồn lực đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, việc thực thi các chính sách mới sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các dự án lớn, tạo đột phá mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng, 1 trong 3 đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn tới.

Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, với các quy định mới sẽ thúc đẩy việc cải cách quản lý, tăng cường hiệu quả đầu tư công và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Theo ông Tâm để bảo đảm việc thi hành luật được thực hiện hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành trong tháng 1/2025.