Giải pháp tổ chức vận tải hành khách công cộng hiệu quả

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhất là sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi vào khai thác, tuy nhiên vận tải hành khách Thủ đô vẫn còn rất nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư mạnh mẽ và giải pháp tổ chức hợp lý hơn nữa để “hút khách”, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, nhằm mở ra diện mạo giao thông hiện đại, góp phần quan trọng giảm ùn tắc giao thông Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khoảng 15 năm tới, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội. (Ảnh: Công Nhất)
Trong khoảng 15 năm tới, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội. (Ảnh: Công Nhất)

Diện mạo mới

Trong thời gian qua, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng đã được cải thiện (tăng số lượng tuyến, tăng số lượng phương tiện, mở rộng vùng phục vụ). Hà Nội cũng có thêm loại hình xe buýt điện chất lượng cao, qua đó thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ.

Trong khi đường sắt đô thị đã dần khẳng định được tính ưu việt bởi tốc độ, thời gian chuyến đi được bảo đảm. Theo ước tính cả năm 2022, tổng sản lượng hành khách vận chuyển đạt 337,2 triệu lượt (tăng 65,6% so với năm 2021), doanh thu đạt 536,9 tỷ đồng (tăng 118,9% so với năm 2021). Trong đó, mạng lưới xe buýt vận chuyển khoảng 328,9 triệu lượt hành khách và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vận chuyển hơn 8,2 triệu lượt hành khách; tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vào khoảng 18,5%.

Tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải, cho hay, đây là con số khá khiêm tốn và chỉ tiêu chúng ta đặt ra cho 2022 là khoảng 21-23%.

Như vậy, so sánh với mục tiêu UBND TP Hà Nội đặt ra tại Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn thành phố Hà Nội, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân tới năm 2025 là mục tiêu vẫn còn khá thách thức.

Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, đa số hành khách đều cho biết thời gian chuyến đi xe buýt kéo dài, không đúng giờ. Thậm chí, nhiều hành khách thậm chí chấp nhận đi xe chất lượng thấp hơn nhưng phải đúng giờ. Bên cạnh đó, những dịch vụ phụ trợ như thông tin hành khách, hạ tầng, khả năng kết nối tiếp cận vẫn đang còn nhiều tồn tại; lượng phương tiện công cộng chỉ chiếm một lượng nhỏ so với nhu cầu đi lại; nhận thức của người dân với phương tiện công cộng còn nhiều định kiến.

Với lượng phương tiện ngày càng lớn của thành phố, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng, để đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm xe cá nhân, phải tăng năng lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Mà phương pháp hiệu quả nhất, quan trọng nhất chính là đường sắt đô thị, đặc biệt khi nó được kết nối đồng bộ với các loại hình khác. Trong đó, xe buýt tiếp tục đóng vai trò chủ lực và cần tập trung vào ba khâu đột phá chính gồm: thay thế phương tiện cũ bằng xe nhiên liệu sạch; đa dạng loại hình, sử dụng nhiều xe buýt nhỏ để tối ưu hoạt động trong các khu vực đông dân cư; điều chỉnh mạng lưới thích ứng với sự xuất hiện của đường sắt đô thị và nâng chất lượng dịch vụ tương đương với đường sắt đô thị.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Dư cho rằng, muốn phát triển giao thông công cộng cần nhiều giải pháp. Đầu tiên, phải làm tốt, phủ kín mạng lưới giao thông công cộng để làm sao người dân ở tất cả mọi nơi đều có thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cần có một chính sách công bằng với giao thông công cộng cũng như tổ chức giao thông, chính sách quản lý giao thông hợp lý.

Với tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị như hiện nay, trong khoảng 15 năm tới, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội.

“Hay nói cách khác, những giải pháp đưa ra làm sao tạo ra lực vừa kéo, vừa đẩy, giao thông công cộng sẽ chiếm lĩnh được thị trường và chiếm được tình cảm của người dân” ông Dự nhấn mạnh.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35 - 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được vận hành khai thác thương mại, sắp tới đây cũng chỉ có thêm tuyến Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao. Vì vậy, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, với tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị như hiện nay, trong khoảng 15 năm tới, xe buýt vẫn sẽ là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội. Muốn tăng thị phần, thu hút người dân sử dụng, xe buýt phải bảo đảm thời gian đi lại có thể cạnh tranh so với xe máy.

“Để đạt được điều đó, xe buýt cần phải được ưu tiên trong việc tổ chức giao thông bằng việc tạo làn ưu tiên và tổ chức đèn tín hiệu ưu tiên khi chạy qua các giao cắt. Nếu xe buýt thu hút ngày càng nhiều người dân lựa chọn làm phương tiện di chuyển thì sẽ góp phần hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông”, ông Thông khẳng định.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô, Trưởng phòng Quản lý vận tải Nguyễn Tuyển, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, thời gian tới Sở sẽ tập trung vào một số giải pháp chính như: rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xem tuyến nào cần phải điều chỉnh; tiếp tục tăng khả năng tiếp cận của xe buýt. Những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận sẽ có thể mở mới hoặc điều chỉnh.

Bên cạnh đó là rà soát kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, kết nối từ không gian, thời gian, thông tin; tổ chức hoạt động vận tải để các loại hình hỗ trợ nhau, cùng thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, từ phương tiện sức chứa lớn, sức chứa nhỏ, metro, minibus, taxi, xe hai bánh…

"Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất thành phố những chỗ nào mở làn đường riêng cho xe buýt. Giả sử đến năm 2025, để đáp ứng được tỷ lệ 30 - 35% lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tại sao lại không ưu tiên 1 làn cho phương tiện vận tải hành khách công cộng ở những tuyến đường có 3 làn", ông Tuyển đề xuất.

Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tập trung rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có điều chỉnh cho phù hợp, tăng khả năng tiếp cận của người dân. Những khu vực chưa có xe buýt tiếp cận sẽ mở mới hoặc điều chỉnh lộ trình tuyến. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất thành phố những tuyến đường có thể mở làn đường riêng cho xe buýt để bảo đảm thời gian di chuyển...

Mặt khác cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng, kết nối, tăng cường thông tin cho hành khách, phát triển nhiều loại hình vận tải khác, phát triển hợp lý các phương thức vận tải từ đường sắt đô thị, xe buýt đến xe điện bốn bánh, hai bánh; tổ chức bài toán vận tải sao cho hợp lý nhất, giúp xe buýt phát triển và các loại vận tải hành khách công cộng khác cũng phát triển theo, từ đó góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Thủ đô hiện có khoảng 6,5 triệu phương tiện, chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các địa phương khác thường xuyên lưu thông qua; mỗi năm lại tăng thêm 10% số lượng phương tiện. Trong khi diện tích đất dành cho giao thông mới đạt dưới 10%, quá tải hạ tầng dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực, đặc biệt là nội đô và các cửa ngõ lớn.