Lần theo những phản ánh của người dân xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chúng tôi có mặt tại cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật (NKT) tại thôn Song Nam, xã Cương Gián. Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi phải dừng xe ở ven tỉnh lộ ĐT. 547 để đi bộ vào cơ sở dạy nghề, bởi đoạn đường dài chưa đến 300 m nối tỉnh lộ ĐT. 547 với cơ sở dạy nghề lổm chổm đất đá, cỏ dại mọc um tùm. Trước đây, đoạn đường này vốn được một đơn vị thi công dự án đường ven biển Xuân Hội (Nghi Xuân) - Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh) dùng để làm bãi trộn, đúc vật liệu. Thành ra, khi đơn vị này rút đi, khu vực này cũng trở nên vắng vẻ.
Cổng vào cơ sở dạy nghề được bịt kín, cỏ mọc um tùm cả bên trong lẫn bên ngoài dãy tường rào được xây kín mít. Lối vào bên trong duy nhất rộng vừa đủ cho người đi bộ lách qua luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu không có sự chỉ dẫn của người dân địa phương và sự “lơ là” của bảo vệ cơ sở này thì rất khó để chúng tôi thâm nhập vào đây. Khác với vẻ đồ sộ bên ngoài, bên trong khuôn viên cơ sở dạy nghề có diện tích rộng chừng một héc-ta rất tĩnh lặng. Tất cả các hạng mục xây dựng ở đây đều đang bỏ trống, “cửa đóng, then cài”. Do không có người lui tới nên khuôn viên này cũng bị cỏ dại bao trùm.
Ông Lê Văn Dương, thôn Song Nam (Cương Gián) cho biết, thời gian trước, năm nào cũng có một ít học viên, người lao động làm việc tại trung tâm này. Tuy nhiên, gần hai năm nay, cơ sở này không thấy hoạt động. Hiện tại, chỉ có một người đang làm nhiệm vụ bảo vệ sinh sống tại đây mà thôi.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND xã Cương Gián khẳng định, sau một vài năm hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế, xã hội thấp, đến nay, cơ sở dạy nghề cho NKT này đã ngừng hoạt động. Theo thuyết trình của chủ đầu tư, dự án sẽ được mở rộng, triển khai trên diện tích gần 80 ha ở giai đoạn hai. Tuy nhiên, do tính khả thi của dự án không cao nên việc triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ rất khó khăn.
Theo Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Ý, hướng tới mục tiêu giúp người kém may mắn trên địa bàn được học văn hóa, dạy nghề và tìm kiếm việc làm, thông qua công tác vận động, kêu gọi tài trợ, năm 2012, dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh và Khu điều hành Dự án trồng rừng và trang trại chăn nuôi thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân) đã được triển khai. Theo nguồn lực đầu tư được phê duyệt, dự án đã hoàn thành hạng mục văn phòng làm việc, dạy nghề, khu nhà ở nội trú... với tổng mức đầu tư hơn 9,1 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đối ứng của tỉnh là 1,6 tỷ đồng, số còn lại là nguồn kêu gọi, vận động xã hội hóa. Sau khi đi vào hoạt động, dự án gặp rất nhiều khó khăn do không duy trì được nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ cho hoạt động của trung tâm, vì vậy việc triển khai công tác dạy nghề tại trung tâm này đang phải tạm dừng.
Khu nhà ở nội trú bị bỏ hoang.
Theo chia sẻ của ông Lê Đình Ý, bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh cấp khoảng 1,2 tỷ đồng để phục vụ công tác dạy nghề cho NKT tại Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn kinh phí này chỉ đủ phục vụ cho hoạt động dạy nghề tại trụ sở của đơn vị đóng tại TP Hà Tĩnh. Riêng hoạt động của cơ sở dạy nghề ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực xã hội hóa.
Khác với chia sẻ của ông Lê Đình Ý và những khó khăn mà cơ sở dạy nghề cho NKT tại xã Cương Gián (Nghi Xuân) đang đối diện, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc khẳng định, Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh và Khu điều hành Dự án trồng rừng và trang trại chăn nuôi thôn Song Nam, xã Cương Gián (Nghi Xuân) đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chứ không phải ngừng hoạt động. Hiệu quả quản lý, khai thác của dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì đầu tư cho hoạt động xã hội cũng có nhiều cung độ!?
Thiết nghĩ, trong điều kiện hoạt động dạy nghề cho NKT đang gặp những trở ngại vì nhiều nguyên do khác nhau, tỉnh Hà Tĩnh cần nhìn nhận thấu đáo quá trình xây dựng, vận hành tại Trung tâm Dạy nghề, Giới thiệu và Giải quyết việc làm cho người tàn tật ở xã Cương Gián (Nghi Xuân). Từ đó, tìm kiếm giải pháp khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thực sự để NKT vươn lên như mục đích ban đầu của dự án.