Vận động viên Việt Nam tranh tài tại SEA Games 31. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Vận động viên Việt Nam tranh tài tại SEA Games 31. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Thể thao Việt Nam - nhìn từ những sự việc “nhức nhối”:

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển?

NDO - Để có thể vươn tầm châu lục và thế giới, trước hết, thể thao Việt Nam phải quyết tâm loại bỏ các tiêu cực, tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Còn về việc nâng cao chất lượng và thành tích của thể thao nước nhà, người đứng đầu ngành cũng như các chuyên gia cho rằng, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp và một chiến lược bài bản mang tính lâu dài…

Đầu tháng 9 vừa qua, dư luận cả nước xôn xao khi cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi có bài viết trên Facebook cá nhân phản ánh việc cô phải tự bỏ toàn bộ chi phí khi… đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Giải vô địch thế giới billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới 2024 tại Pháp.

Trước đó, các vận động viên đỉnh cao khác của Việt Nam như Thùy Linh, Tiến Minh (bộ môn cầu lông) cũng không ít lần “than thở” về việc họ phải “du đấu tự túc” trong nhiều giải đấu lớn tầm quốc tế.

Vấn đề liên quan đến “kinh phí hỗ trợ” thậm chí còn làm nóng nghị trường trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn về thực trạng các vận động viên thành tích cao bị bớt xén tiền thưởng và… cả khẩu phần ăn.

Mặc dù, mỗi năm, ngân sách Nhà nước (chưa tính ngân sách của các địa phương) dành khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao, nhưng những “câu chuyện buồn” kể trên vẫn đang tiếp diễn.

Loạt bài Thể thao Việt Nam - nhìn từ những sự việc "nhức nhối" đề cập về thực trạng, phân tích nguyên nhân, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển thể thao đỉnh cao của các nước trong khu vực và đề xuất giải pháp để thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế.

SẼ TĂNG CƯỜNG THANH TRA, XỬ LÝ NGHIÊM CÁC VI PHẠM

Trở lại phiên chất vấn tại nghị trường hồi tháng 6, sau khi dẫn chứng một vài thí dụ “nhức nhối” của thể thao thành tích cao, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã đề nghị Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên.

Khẳng định những sự việc đại biểu nêu “là có thật” và “đã có các biện pháp xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thực tế, ban đầu khi hình thành quỹ thì với mục đích tốt đẹp…

“Thí dụ như trong đội tuyển, góp với nhau một em là bao nhiêu đó để đi thăm hỏi khi ốm đau, cưới hỏi, ma chay, hiếu hỉ và có thể hỗ trợ thêm cho nhau hoặc bồi dưỡng thêm, mặc dù việc đó theo quy định pháp luật là trái phép nhưng việc đó nếu trên tinh thần tự nguyện, tự quản lý chặt chẽ thì chắc không có tiêu cực. Nhưng vì vừa rồi đã lạm dụng việc này, dẫn đến có người huấn luyện viên, có tiêu cực ở trong đó”, ông Hùng khẳng định.

Chia sẻ giải pháp cho vấn đề này, ông Hùng cho biết, trước hết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho bổ sung hoàn chỉnh và ban hành quy định về quản lý đội tuyển. Trong quy định này có nêu rất rõ từng điều, khoản, chương, mục, từ tập luyện đến công tác quản lý.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 1

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội. (Ảnh: VGP)

Theo ông Hùng, giải pháp thứ hai là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm. Ông Hùng cho biết: “Lâu nay thì có kiểm tra nhưng kiểm tra chất lượng đào tạo, còn ít kiểm tra về vấn đề chế độ, chính sách”.

“Thứ ba là công khai, minh bạch. Rất minh bạch ngay từ đầu vào là phải thông báo cho các em được bao nhiêu, chế độ tiền là bao nhiêu một ngày, chế độ tiền thưởng là bao nhiêu để người ta biết được, quản lý và nghiêm cấm việc lập quỹ, mặc dù có mục đích tốt đẹp như ban đầu thì bây giờ cũng nghiêm cấm. Hiện nay toàn ngành đang thực hiện nội dung đó”, ông Hùng đánh giá.

CẦN CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ƯU ĐÃI VẬN ĐỘNG VIÊN

Quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 22/2/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 223 phê duyệt Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.

Nội dung đề án đã xác định rõ các mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao thành tích cao.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đề án đề ra, Bộ đã phối hợp, tham mưu, xây dựng được những cơ chế, chính sách gì và tình hình kết quả thực hiện ra sao, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi vận động viên, huấn luyện viên tài năng, còn những cơ chế, chính sách gì chưa xây dựng, ban hành, tại sao và giải pháp trong thời gian tới.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 2

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan ngại về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong ngành thể thao. (Ảnh: quochoi.vn)

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi đề án đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chủ động tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ đã giao, trong đó nhóm việc thứ nhất là đề xuất để ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến lĩnh vực này.

Hiện tại đối với vận động viên nói chung, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đều được thụ hưởng 7 nhóm chính sách Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua, như vấn đề về tiền lương, tiền công, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ tiền thưởng bằng hiện vật khi đạt thành tích cao, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ về trang thiết bị luyện tập, chế độ về học tập văn hóa, đặc cách thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ưu tiên xét thẳng vào trường đại học, chế độ về ưu đãi học nghề, giải quyết việc làm, chế độ đặc thù khi vào nghề ở tuổi 15 và dưới 13. Ngoài các chế độ nêu trên, các địa phương còn có chế độ riêng khen thưởng khi vận động viên đạt được thành tích cao.

Ông Hùng cho biết thêm, để cụ thể hóa hơn nữa đối với thể thao thành tích cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung để xây dựng các quy định trong công tác tuyển chọn, đào tạo tài năng, xây dựng về chỉ tiêu, tiêu chí tuyển chọn, kế hoạch đào tạo và ban hành các giáo trình.

Theo ông Hùng, hiện nay, căn cứ vào việc chúng ta tiếp cận đến thể thao thành tích cao theo các bộ môn của ASIAD và Olympic, căn cứ vào tình hình thực tiễn cũng như dự báo khả năng, chúng ta đã chọn ra được 15 bộ môn và tập trung cho công tác huấn luyện, đào tạo này. Riêng các trung tâm đào tạo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý cũng như của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (cấp trung ương), hằng năm đào tạo được trên 2.500 vận động viên.

“Mỗi năm cấp cho thể thao 900 tỷ đồng, trong 900 tỷ đồng này chúng ta đã dành 600 tỷ cho đào tạo và huấn luyện, chủ yếu phần này trên 80% được huấn luyện, đào tạo gửi đi nước ngoài”, ông Hùng cho biết.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 3

Thể thao Việt Nam còn nhiều việc cần làm để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thi đấu. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Xét về tổng thể chính sách, ông Hùng cho rằng “đã cơ bản là đầy đủ và chúng ta đang thực hiện các chính sách theo quy định hiện hành”. Tuy nhiên, sắp tới, để nâng cao chất lượng, nâng cao tốt vấn đề về thể thao, ông Hùng thấy rằng, “cần phải xem xét để đề xuất Chính phủ, nhất là tập trung cho nghiên cứu về khoa học thể thao để phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng nhân tài”.

Ông Hùng cho biết, trước đây chúng ta thường vẫn làm cách cũ, chưa dựa trên các yếu tố khoa học, phát triển năng khiếu nhưng bây giờ phải ứng dụng gene và khả năng của gene, phân tích gene để bắt đầu đào tạo. Theo ông Hùng, đây là một cách tiếp cận mới để chúng ta tìm, chọn ra được các vận động viên và đào tạo các cấp tuổi khác nhau. Việc này sẽ phải được tiến hành song song đồng thời.

“Vừa rồi chúng ta mới có Kết luận 70 của Bộ Chính trị sau khi chúng ta tổng kết Nghị quyết 8 (Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI). Trong Kết luận 70 đề ra rất nhiều nội dung, chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ sẽ ban hành chiến lược về phát triển thể thao, trong đó có thể thao thành tích cao và thể thao thành tích cao đương nhiên có liên quan đến vận động viên”, ông Hùng khẳng định.

PHẢI GIẢI ĐƯỢC “BÀI TOÁN” XÃ HỘI HÓA TRONG THỂ THAO

Ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (nay là Cục Thể dục Thể thao), hiện là Chủ tịch Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho biết, hiện tại có xấp xỉ 40 Liên đoàn thể thao quốc gia, nhưng về tổng quan, xã hội hóa là một yếu tố tất yếu của thể thao.

Theo ông Phấn, thể thao muốn có thành tích tốt thì nhất quyết phải có xã hội hóa. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có cách xã hội hóa khác nhau. Đối với Việt Nam, đến bây giờ, dưới góc nhìn của người từng quản lý nhiều liên đoàn, ông Phấn cho rằng chỉ có bóng đá là được kinh phí xã hội hóa tốt, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho bóng đá cũng rất lớn.

“Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có quyền lựa chọn đơn vị hỗ trợ đồng hành, tài trợ cho bóng đá. Còn các Liên đoàn khác trong thực tế thì nguồn lực rất hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ dành cho các vận động viên, cho nên còn rất khó khăn và nhìn chung hầu hết các Liên đoàn đều như vậy”, ông Trần Đức Phấn khẳng định.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 4

Ông Trần Đức Phấn cho rằng các Liên đoàn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh phí. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Theo ông Phấn, về mặt hình thức, có thể Liên đoàn này, hiệp hội kia tổ chức được một số giải thưởng để động viên vận động viên khi thi đấu quốc tế đạt thành tích cao. “Nhưng đây chỉ là bề nổi, còn bản chất thì xã hội hóa phải thực hiện được nhiều nhiệm vụ cùng với đó để đáp ứng được đầy đủ cho các vận động viên, mà nguồn lực chính là các vận động viên trẻ”, ông Phấn chia sẻ.

Mở rộng vấn đề, ông Phấn cho biết, xã hội hóa ở các nước có chính sách rõ ràng và hiệu quả để các nhà tài trợ có thể đồng hành với các môn thể thao, Liên đoàn. Nhưng với chúng ta, chính sách dành cho xã hội hóa còn hạn chế. Nhà nước thì tạo điều kiện nhưng tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nên công tác xã hội hóa phần nào ảnh hưởng. Tuy nhiên, mỗi môn thể thao có cách đi riêng cho nên vẫn có nguồn lực xã hội hóa bảo đảm nhiệm vụ.

Theo ông Phấn, không có Nhà nước nào có thể lo hết cho vận động viên, các đội tuyển quốc gia hay đào tạo trẻ mà vẫn cần nguồn lực của xã hội hóa. Đối với Việt Nam, công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên thì xã hội hóa cũng chưa giải quyết được.

“Đối với bóng đá thì họ đứng ra tổ chức V-League, giúp tổ chức các chuyến tập huấn nước ngoài và đó là những nhiệm vụ quan trọng. Song các môn khác thực tế còn khó khăn, kéo theo những nội dung chưa thực hiện được”, ông Phấn nhìn nhận.

Ông Phấn dẫn chứng, chẳng hạn như việc tưởng thưởng, nếu không có xã hội hóa thì mức thưởng của Nhà nước rất thấp, mà vận động viên cần động lực để họ cống hiến. Nếu không có xã hội hóa thì sẽ rất khó khăn, nếu thi đấu quốc tế có huy chương mà trở về không có nguồn lực để thưởng cho vận động viên, thì sẽ đánh mất thêm nhiều động lực, đặc biệt ở các tầm thi đấu quốc tế đẳng cấp cao.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 5

Ông Trần Đức Phấn là trưởng đoàn tại Lễ xuất quân của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Về giải pháp, ông Phấn cho rằng, quan trọng nhất là các Liên đoàn thể thao cần hướng tới xây dựng bộ nhận diện thật tốt, cụ thể là bộ nhận diện chuyên môn. Phải tính toán để chuyên môn tạo ra thành tích, để xã hội nhìn vào. Chẳng hạn như việc “chào hàng”, thì người muốn đồng hành với mình là các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức họ thấy được kết quả.

Bên cạnh đó là hàng loạt các hành động của Liên đoàn cũng phải xây dựng có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Phấn, hiện các Liên đoàn vẫn còn hạn chế, khi Liên đoàn chưa phát huy được thế mạnh của mình, và vẫn còn manh mún.

“Như bóng chuyền tôi làm, có rất nhiều khó khăn. Chúng ta phải có rất nhiều nguồn lực và xây dựng được hình ảnh vận động viên về mặt chuyên môn thật tốt, cũng như các nội dung khác ngoài chuyên môn thì xã hội mới tham gia vào. Bóng chuyền là một môn được nhiều người yêu thích nhưng để xã hội hóa thì còn là cả vấn đề”, ông Phấn chia sẻ.

Theo ông Phấn, để giải quyết vấn đề này, cách làm phải có bước đi cụ thể. Đó là một giải pháp bền vững và lâu dài. Hiện nay, các Liên đoàn vẫn còn phải sử dụng các mối quan hệ cá nhân, những người có uy tín ở trong tổ chức là chính. Vẫn chưa xây dựng được hình ảnh để xã hội quan tâm đồng hành.

“Các Liên đoàn cũng chưa chuyên nghiệp, cứng nhắc trong khi Nhà nước thì không có điều kiện để hỗ trợ nhiều. Thậm chí nhiều Liên đoàn chỗ làm việc còn không có, chỉ có bóng đá chứ nhiều Liên đoàn không có cơ sở vật chất để làm việc, không có bộ máy chuẩn”, ông Phấn chia sẻ.

Giải pháp nào để ngành thể thao Việt Nam có thể vươn tầm phát triển? ảnh 6

Cần có sự vào cuộc đồng lòng của các Bộ, ban, ngành để thể thao Việt Nam thực sự vươn tầm, để lá cờ Việt Nam tung bay đầy tự hào tại đấu trường thể thao thế giới. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Bên cạnh đó, theo ông Phấn, xã hội hóa và chính sách còn nhiều bất cập tạo ra khó khăn. Cơ chế, chính sách là phải tổng thể, cần thiết thì có thể báo cáo Bộ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo cấp cao để vào cuộc.

“Nhưng nếu riêng ngành thể thao hành động thì không thể làm nổi mà phải có tính đồng bộ, các ngành, các bộ cùng vào cuộc. Như chính sách xã hội hóa cần cụ thể từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư”, ông Phấn kiến nghị.

Ông Phấn cho biết, nhiều nước khác có chính sách khá rõ ràng, cụ thể. Như các doanh nghiệp tham gia với thể thao thì sẽ có những chính sách cho doanh nghiệp tài trợ, đỡ đầu cho một môn thể thao thì sẽ nhận được chính sách thuế từ Nhà nước.

"Đây là những vấn đề lớn và phải cùng các bộ, các ngành, các cấp để trình Chính phủ, Quốc hội. Cho nên, có lẽ cần đề nghị, rà soát sửa đổi những bất cập trong Luật Thể thao. Vậy nên trong nhiệm kỳ tới của Quốc hội, Luật Thể thao cần sửa đổi, bóc toàn bộ ra và sửa lại, khi không còn phù hợp với thực tiễn", ông Phấn đề xuất.

back to top