Kết quả bước đầu cho thấy, để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, vững chắc hơn, cần có thêm các cơ chế, chính sách cởi gỡ những khó khăn, động viên ý chí vươn lên làm giàu từ chính người dân.
Bài 1: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thực hiện chủ trương "Quốc gia khởi nghiệp", từ năm 2018 đến nay, các tỉnh miền núi phía bắc đã xây dựng và triển khai đề án “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đề án đã trở thành "cú huých" thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương.
Người dân là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo
Năm 2017, sau khi học tập mô hình OCOP của tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn là tỉnh thứ hai trên cả nước phê duyệt và triển khai đề án chương trình OCOP, trước khi Chính phủ phê duyệt đề án toàn quốc. Tiếp theo đó, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên… đều triển khai mạnh mẽ đề án chương trình này.
Nhìn chung, các tỉnh đều xây dựng, triển khai một cách bài bản, có hệ thống, phù hợp thực tiễn tại địa phương. Tỉnh Lào Cai đã ban hành đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030, giao Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới chỉ đạo thực hiện đề án, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm nòng cốt; kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến huyện, xã.
Tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị khởi động Đề án OCOP, phổ biến các nội dung đề án; tổ chức điều tra, thống kê đánh giá các sản phẩm truyền thống trên địa bàn, tập huấn xây dựng phương án kinh doanh, phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển và thương mại hóa sản phẩm cho cán bộ phụ trách chuyên môn đến từ các sở, ngành…
Để mọi đối tượng từ các cán bộ lãnh đạo, quản lý đến người dân đều hiểu ý nghĩa, mục đích đề án, cho nên công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Định nghĩa phổ biến nhất, dễ hiểu nhất là mỗi địa phương tìm một sản phẩm nổi trội, nhằm phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Năm 2019, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn tổ chức Hội thi tìm hiểu và tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào thanh niên khởi nghiệp từ OCOP. Đề án triển khai chương trình của các tỉnh đều nêu rõ quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình, thông qua hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp làm nền tảng tổ chức sản xuất nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo cơ chế chính sách, không làm thay, không áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính. Đề cao tính chủ động của doanh nghiệp, HTX và người dân, các tỉnh tạo điều kiện cho các đối tượng này tự nguyện đăng ký tham gia chương trình, tự lựa chọn sản phẩm. Chính quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển triển kinh tế khu vực nông thôn trong đó có tác động đến thực hiện chương trình OCOP.
Tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đạt chuẩn OCOP. Cụ thể: Hỗ trợ 15 triệu đồng/ sản phẩm đạt ba sao, 30 triệu đồng/sản phẩm bốn sao và 45 triệu đồng/ sản phẩm năm sao, 80 triệu đồng/sản phẩm đạt chứng nhận quốc gia từ ba đến năm sao. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản phẩm khởi nghiệp, tập trung vào nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu…
Do trình độ nhận thức của người dân, trình độ quản lý của các chủ thể còn hạn chế, cho nên các tỉnh đều quan tâm công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ thuật sản xuất và công tác quản lý. Hằng năm, tỉnh Hà Giang phối hợp các cơ sở đào tạo mở hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản, công tác quản lý cho người nông dân và các doanh nghiệp, HTX. Tỉnh đã thí điểm thực hiện mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp.
Hiện nay, đã có năm cán bộ về hỗ trợ các HTX nông nghiệp, giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phát triển sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Hà Giang thành lập một tổ tư vấn các sản phẩm OCOP gồm các chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Khi các sản phẩm được đăng ký, tổ tư vấn thẩm định, đánh giá, khuyến nghị về sự phù hợp của sản phẩm với đặc thù ở địa phương, tiềm năng về thị trường và cơ hội phát triển.
Bên cạnh đó, các tỉnh còn hỗ trợ các HTX vốn đầu tư trang, thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất. Tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ các HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 300 triệu lên tới 450 triệu đồng/HTX. Từ nguồn vốn của Chính phủ, tỉnh hỗ trợ 18 tỷ đồng cho các HTX.
Thông qua Trung tâm Khuyến công tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh HTX hỗ trợ HTX xây dựng và đăng ký nhãn hiệu; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng thị trường; hỗ trợ tổ chức các hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn... với định mức không quá 50 triệu đồng/hạng mục. Do vậy, toàn bộ các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được xếp hạng đều có bao bì, nhãn mác, thương hiệu đạt chuẩn, được bảo hộ. Tỉnh Hòa Bình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX toàn bộ việc vận chuyển hàng hóa, sản phẩm OCOP đến tận gian hàng tại các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại.
Được chính quyền “tiếp sức” cả về cơ chế, nguồn vốn, mô hình HTX kiểu mới- một loại hình kinh tế tập thể, được củng cố, phát triển. Trong hai năm qua, tỉnh Lào Cai đã thành lập mới 67 HTX, củng cố 16 HTX, với tổng số hơn hai nghìn thành viên. Tỉnh Hà Giang củng cố, thành lập 89 HTX, 22 tổ hợp tác tham gia Chương trình OCOP. Tỉnh Bắc Kạn có 126 tổ hợp tác và 186 HTX, trong đó, số HTX hoạt động khá và tốt chiếm hơn gần 80%, doanh thu bình quân đạt hơn 620 triệu đồng/HTX/năm.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: “Không chỉ có người dân, HTX, doanh nghiệp mà ngay cả các cán bộ, lãnh đạo các địa phương cũng dần đổi mới tư duy trong việc phát triển, xây dựng các thương hiệu sản phẩm, tổ chức kêu gọi đầu tư và liên kết tốt trong sản xuất. Đồng thời, đã chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là một trong những dấu ấn đậm nét trong việc thực hiện Chương trình OCOP ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung”.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền đã tạo làn gió mới, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại các địa phương. Điều có ý nghĩa hơn là nhiều địa phương thời gian qua loay hoay tìm “trồng cây gì, nuôi con gì” để phát triển kinh tế mà vẫn bế tắc, thì nay đã tìm ra lối đi, đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao, ổn định.
Chúng tôi đến Tổ hợp tác nuôi ong núi đá ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) khi các thành viên đang lấy mật ong. Những chiếc máy ly tâm quay tít, vắt ra dòng mật ngọt sánh đặc, có màu vàng hổ phách, tỏa mùi thơm đặc trưng. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai đã hỗ trợ hai xã Xuân Quang và Phong Niên (huyện Bảo Thắng) xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao.
Mười hộ dân ở xã Xuân Quang được hỗ trợ triển khai mô hình, với quy mô 200 đàn ong nội. Trung tâm đã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư, chỉ đạo kỹ thuật và giám sát các hộ dân suốt trong quá trình phát triển của đàn ong và khai thác mật, bảo đảm theo quy trình kỹ thuật thực hành chăn nuôi ong tốt, an toàn (VietGAHP). Kết quả, các đàn ong thuộc mô hình cho năng suất hơn 18 kg/đàn/năm (cao hơn trước 2,3 kg/đàn/năm), đem lại thu nhập 2,7 triệu đồng/đàn/năm. Từ mô hình này, một lao động có thể nuôi 100 đàn ong, thu nhập đạt từ 200 đến 250 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20,6%.
Anh Cao Văn Chiến, tổ trưởng Tổ nuôi ong núi đá Xuân Quang cho biết: “Sản phẩm mật ong Xuân Quang được cấp chứng chỉ OCOP ba sao, là tấm thông hành giá trị để sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ, bán được với giá cao”.
Năm 2019, sản phẩm mật ong Bạc Hà của HTX Tuấn Dũng ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) được lựa chọn tham gia chương trình OCOP. HTX được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi ong và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống để tạo ra sản phẩm mật ong bạc hà có hương vị thơm ngon hơn nhiều so với mật ong được quay thủ công. Sản phẩm vừa được công nhận đạt chuẩn bốn sao. HTX hiện có 2.500 đàn ong và liên kết với hàng trăm hộ nuôi ong trên địa bàn huyện, mỗi năm thu hơn 20 nghìn lít mật, giá bán đạt 500.000 đồng/lít, sản phẩm đang tiêu thụ ở hệ thống siêu thị lớn trong nước, giúp người dân nuôi ong có thêm thu nhập”.
Cách đây năm năm, chị Nguyễn Hồng Minh, thôn Tân Thành, xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) và hai người bạn thành lập tổ hợp tác, trang bị máy móc nhỏ để chế biến tinh bột nghệ theo phương pháp bán thủ công.
Từ hiệu quả ban đầu, được sự hỗ trợ, khuyến khích theo chương trình phát triển HTX kiểu mới và chương trình OCOP của tỉnh, chị Minh quyết định nâng tổ hợp tác thành HTX, liên kết với khoảng 300 hộ trồng nghệ trên diện tích gần 94 ha để thu mua nguyên liệu. HTX cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn quy trình sản xuất cho người dân; ký hợp đồng bao tiêu nghệ củ với giá bình quân khoảng 5.000 đồng/kg và sẵn sàng nâng giá theo giá trị trường.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, HTX mua máy sấy nông sản công nghiệp, chế biến được một tấn nghệ tươi/ngày; thu được 150 kg tinh bột nghệ và 350 kg nghệ sấy lát/ngày. Đến nay, HTX đã có 12 sản phẩm chế biến từ nghệ, trong đó có hai sản phẩm tinh bột nghệ đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP ba sao của tỉnh, sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ cao cấp đạt thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt hơn hai tỷ đồng, năm 2019 đạt khoảng bảy tỷ đồng.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai người Dao - Tẩn Láo Tả, ở thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) luôn ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp để thoát nghèo. Nhận thấy khí hậu tại địa phương phù hợp nuôi cá nước lạnh, anh đã đi nhiều nơi học hỏi cách nuôi cá hồi, rồi mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư. Cùng với hai cổ đông khác, mô hình đầu tư trị giá 650 triệu đồng đã hoàn thành với hai bể thả cá giống và bốn bể nuôi cá thương phẩm, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 5,5 tấn cá thương phẩm, đạt doanh thu hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm gần một nửa.
Mô hình liên kết nuôi cá hồi của anh Tả thành công đã “tiếp lửa” cho phong trào đoàn viên, thanh niên thi đua phát triển kinh tế ở các xã vùng cao huyện Bát Xát.
Hình thành vùng sản xuất nông sản sạch gắn với chuỗi giá trị
Để có đủ nguyên liệu sản xuất các sản phẩm OCOP, các tổ hợp tác. HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư quy hoạch, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo quy trình an toàn. Tại tỉnh Bắc Kạn, đến nay đã hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả ở các huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; vùng chè ở Chợ Đồn, Ba Bể; dong riềng ở Na Rì, Ba Bể… Tỉnh xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản đặc sản, gồm: Nhãn hiệu tập thể gạo Bao thai Chợ Đồn; Nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn; chỉ dẫn địa lý cam, quýt, hồng không hạt… Nhờ được bảo hộ, sản xuất theo quy trình hữu cơ là chủ yếu đã tạo ra các sản phẩm OCOP gây được tiếng vang.
Việc sản xuất theo chuỗi giá trị được chú trọng thông qua phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khuyến khích phát triển những cây đặc sản, bản địa, Bắc Kạn ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nhờ đó, diện tích cam, quýt của tỉnh đạt khoảng 2.200 ha, tăng gấp gần năm lần so năm 2005. Tổng sản lượng quýt của tỉnh gần 10 nghìn tấn/năm, mang lại giá trị sản xuất hơn 100 tỷ đồng cho nông dân. Hai năm lại đây, tại địa bàn các huyện Chợ Mới, Pác Nặm, TP Bắc Kạn đã triển khai thành công vùng trồng mơ, gừng theo công nghệ cao. Sản phẩm thu hoạch cung cấp cho Công ty Misaki (Nhật Bản) đặt nhà xưởng chế biến tại KCN Thanh Bình, huyện Chợ Mới để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản.
Việc sản xuất theo quy trình VietGap và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng đã được triển khai, đạt một số thành tựu. Tại huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), HTX Hà Phong thực hiện quy trình trồng cam theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất cam hữu cơ. Tất cả các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch đều tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, sản phẩm trước khi được vận chuyển tới nơi tiêu thụ được kiểm tra trọng lượng và quy cách. HTX đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả trên diện tích rộng gần 3ha với dây chuyền công nghệ với số vốn đầu tư khoảng gần 30 tỷ đồng, sản xuất mười sản phẩm chế biến từ cam gồm: Nước cam lên men, rượu, mứt, tinh dầu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.
Chương trình OCOP còn góp phần đẩy lùi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, liên kết lỏng lẻo ở nhiều địa phương, giúp phát triển công nghệ chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Sản phẩm tinh bột nghệ của tỉnh Bắc Kạn được coi là thành công lớn nhất khi có sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, sự tham gia của các nhà khoa học và được hỗ trợ quảng bá của chính quyền. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nghiên cứu, đầu tư phát triển dòng sản phẩm từ nghệ có thương hiệu, được xếp hạng OCOP bốn sao. Đặc biệt, sản phẩm Trịnh năng Curcumin của Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp HTL chế biến trên dây chuyền và công nghệ chiết xuất công nghiệp do công ty tự nghiên cứu, sáng chế với thời gian chiết xuất ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Dây chuyền tách dầu nghệ bằng công nghệ CO2 siêu giới hạn; sấy bằng lò tải nhiệt lớp sôi có chức năng sấy khô sản phẩm và nghiền tới cỡ hạt 50 micron, độ ẩm chỉ còn 12%; tách ly lipit bằng công nghệ trích ly chân không; tạo hạt nano bằng phân ly điện tử làm cho sản phẩm Curcumin hòa tan trong nước đến 99%.
(Còn tiếp)