Giải pháp giúp học sinh tránh nguy cơ rối loạn tâm lý học đường

NDO -

Nhiều em học sinh tâm sự rằng, quá trình diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, nhiều vấn đề, yếu tố đã tác động lên các em mạnh mẽ nhưng các em không có nhiều điều kiện để chia sẻ lẫn sự hỗ trợ. 

Các chuyên gia tâm lý, đại diện nhà trường trao đổi tại buổi tọa đàm.
Các chuyên gia tâm lý, đại diện nhà trường trao đổi tại buổi tọa đàm.

Đó là nội dung được rất nhiều em học sinh trải lòng tại tọa đàm: “Làm thế nào thoát khỏi nguy cơ rối loạn tâm lý học đường do ảnh hưởng Covid-19” do Báo Tiền Phong phối hợp các đơn vị tổ chức vào sáng 4/3.

Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, bản thân nhiều học sinh chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe tâm thần nên khi rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, các em chưa chủ động tìm đến sự giúp đỡ. Có thể thấy rõ một điều, nhiều gia đình hiện có trang bị tủ thuốc để điều trị các bệnh lý thông thường như: cảm cúm, ho,… nhưng chủ động tìm đến các giải pháp để điều trị tâm lý thì vẫn còn bị xem nhẹ.

Trong quá trình làm việc tư vấn tâm lý học đường nhiều năm qua, Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang nhận thấy, khi gặp các vấn đề về tâm lý, học sinh thường rất e ngại chia sẻ, trong khi đó, phụ huynh thì không tin hoặc không quan tâm khi con mình bị trầm cảm.

Hiện nay, các đơn vị, cơ quan cũng chưa có nghiên cứu, thống kê nào về việc học sinh được chia sẻ hay kỳ thị, bỏ mặc khi bị trầm cảm.

Chia sẻ từ chính câu chuyện của mình, em Trần Mỹ L., học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, bản thân em phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài và khi dịch Covid-19 ập đến càng làm cho các vấn đề về tâm lý của bản thân ngày một nặng thêm. “Mỗi lần em có ý định chia sẻ cùng người thân trong gia đình thì không mấy ai muốn lắng nghe nên em rất chán nản suốt 5 tháng vừa qua”, bạn L. chia sẻ.

Còn bạn T., học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ kể lại: “Dịch Covid-19 tràn qua cũng là lần đầu tiên trong đời em phải tự lập lo cho bản thân mọi thứ khi nhiều người trong gia đình phải đi cách ly, điều trị hai đợt tại các bệnh viện. Thời điểm đó, em cũng không dám chia sẻ với bạn vì sợ mọi người biết nhà em bị dịch bệnh và kỳ thị em”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cùng các em học sinh: Việc tâm sự, chia sẻ những khó khăn với người thân, bạn bè là điều các em nên làm để tránh việc bị tác động tiêu cực lên tâm lý của mình. Đây là điều rất khó nhưng rất cần thiết trong bối cảnh xã hội có nhiều yếu tố tác động lên tâm lý của các em.

Theo bác sĩ Mẫn, tất cả các bạn ngồi đây, nếu ai có những cảm xúc chưa tốt, tích cực thì hãy cố gắng nói với bạn thân, những người trong gia đình. Khi cần thiết hơn, các bạn hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.

Còn Thạc sĩ Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cảm thấy trăn trở vì vẫn còn nhiều học sinh chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình, nhà trường.

Theo thầy Đảo, rối loạn tâm lý học đường là thực trạng đang diễn ra ở tất cả các trường học hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm lý học đường dẫn đến khủng hoảng về tâm lý, để lại hậu quả nghiêm trọng. Để chung tay đồng hành cùng các em học sinh, cơ sở giáo dục cần phối hợp gia đình, xã hội giúp các em thoát khỏi những vấn đề trên, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra do rối loạn tâm lý học đường.

Dưới góc độ là người làm trong công tác quản lý giáo dục, Thạc sĩ Hồng Anh khẳng định, vai trò của người làm công tác tư vấn tâm lý trong trường học rất quan trọng. Theo Thạc sĩ Hồng Anh, sự động viên, chia sẻ kịp thời của thầy cô giáo sẽ giúp các em trở nên vững tin, từ đó thoát khỏi vòng luẩn quẩn của rối loạn tâm lý.

Còn Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Cẩm Giang cho rằng, ở Việt Nam, hệ thống tham vấn tâm lý lâm sàng chưa bài bản, nhận thức cũng chưa đầy đủ. Sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người dân mới được quan tâm.