Giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước

Hiện nay, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề được các bộ, ngành, chính quyền địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Yêu cầu đặt ra là cần xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Suối A Lào, thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Suối A Lào, thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị) là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Tại Hội thảo "Khoa học vì hòa bình" với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học" được tổ chức tại Bình Định, do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp tổ chức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các nghị sĩ trẻ từ Việt Nam, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi và các vùng khác trên thế giới đã chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu và thảo luận về các vấn đề liên quan an ninh và mất an ninh nguồn nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn, cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước…

Theo thống kê, cả nước có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Do đó, có thể nói nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với nhiều văn bản có liên quan đến nguồn nước, nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để điều chỉnh tổng thể về nước, Quốc hội cũng đã yêu cầu các cơ quan rà soát các luật liên quan để bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an ninh nguồn nước.

Cùng với đó là thực hiện nhiều giải pháp khác như: công tác quy hoạch, điều tiết nước, chuyển nước lưu vực sông; đầu tư nguồn lực, phát triển hạ tầng bảo đảm an ninh nguồn nước; các giải pháp về khoa học và công nghệ trong dự báo, xây dựng vận hành các công trình tích nước, trữ nước, chuyển nước; tuần hoàn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; bổ cập nguồn nước; tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm về quản lý an ninh nguồn nước...

Trước yêu cầu nhiệm vụ về bảo đảm an ninh nguồn nước trong tình hình mới, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân cần được tăng cường hơn, trước hết là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh...

Để duy trì và nâng cao tính chủ động tạo nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước ở các địa phương; tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ nguồn sinh thủy...

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn cho người dân, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn kết hợp nâng cao năng lực kiểm soát lũ của các công trình; nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp, bảo đảm khả năng kiểm soát mưa lớn, triều cường, chống mưa lũ theo thiết kế.