Giai đoạn sóng gió của đảo quốc Sri Lanka

Sử dụng bếp củi để nấu ăn, hay chuyển sang di chuyển bằng xe đạp, là những cách mà nhiều người dân Sri Lanka áp dụng trong cơn bão giá năng lượng và nhiên liệu hiện nay. Nếu không có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đảo quốc Nam Á khó có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu tình tại Sri Lanka. Ảnh: REUTERS
Biểu tình tại Sri Lanka. Ảnh: REUTERS

Từ đầu năm nay, nhiều người Sri Lanka phải ngừng đun nấu bằng khí đốt, chuyển sang sử dụng bếp củi, trong bối cảnh giá khí đốt quá đắt đỏ và nguồn cung không có sẵn. Một số người dân cố gắng chuyển sang nấu ăn bằng bếp dầu, song Chính phủ lại không dự trữ đủ ngoại tệ để thanh toán các khoản hóa đơn nhập khẩu dầu. Các gia đình sử dụng bếp điện cũng loay hoay tìm giải pháp thay thế khi mà tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng.

Chuyện bếp núc chỉ là một trong những khó khăn mà hàng triệu người dân Sri Lanka phải đối mặt hằng ngày. Theo các nhà phân tích, Sri Lanka hiện rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948. Chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, do không dự trữ đủ ngoại tệ. Sau khi tuyên bố “vỡ nợ”, đảo quốc vùng Nam Á phải bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt, kéo theo hàng loạt thách thức kinh tế, chính trị, xã hội sâu rộng.

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka thấp đến mức việc nhập khẩu phân bón, thực phẩm và thuốc chữa bệnh cho 22 triệu người dân chỉ có thể được thực hiện một cách nhỏ giọt trong thời gian dài. Theo khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, từ tháng 5 vừa qua, khoảng 70% số hộ dân tại Sri Lanka đã phải giảm khẩu phần lương thực. Nhiều gia đình trông chờ vào nguồn trợ cấp gạo của chính phủ và các quỹ từ thiện. Không có lô hàng nhiên liệu nào được chuyển đến trong nửa tháng qua, Chính phủ Sri Lanka đã phải đóng cửa các trường học, yêu cầu nhân viên nhà nước làm việc tại nhà nhằm giảm lưu thông và tiết kiệm năng lượng. Nhiên liệu chỉ được dùng cho các dịch vụ thiết yếu khẩn cấp, như y tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng “cuộc khủng hoảng hòn tuyết lăn” hiện nay tại Sri Lanka bắt nguồn từ nhiều năm trước, khi chính phủ đã vay những khoản khổng lồ để mở rộng dịch vụ công. Trong khi các khoản vay của chính phủ gia tăng, nền kinh tế Sri Lanka liên tiếp hứng chịu tác động tiêu cực, từ sản lượng nông nghiệp suy giảm do thời tiết khắc nghiệt, đến bất ổn chính trị-xã hội, khủng bố… Chưa kể đại dịch Covid-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng của đất nước từ du lịch và kiều hối.

Ngày 9/7, thủ đô Colombo của Sri Lanka rung chuyển bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có. Hàng nghìn người tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nhằm bày tỏ sự bất bình về những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống. Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều thông báo sẽ từ chức để bảo đảm tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Liên hợp quốc đã khởi động các biện pháp ứng phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng chưa từng thấy ở quốc gia Nam Á này, trong đó có việc cung cấp thực phẩm cho hàng nghìn phụ nữ đang mang thai phải đối mặt với tình trạng thiếu đồ ăn. Theo Liên hợp quốc, cứ năm phụ nữ Sri Lanka có tới bốn người đã phải nhịn ăn, vì không có tiền mua lương thực; "cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng" đã được cảnh báo sắp xảy ra với hàng triệu người Sri Lanka. Theo đề nghị từ Chính phủ Sri Lanka, Liên hợp quốc đã triển khai kế hoạch cung cấp 47,2 triệu USD nhằm hỗ trợ khoảng 1,7 triệu người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khủng hoảng.

Sri Lanka đang đẩy mạnh các cuộc đối thoại với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước đối tác để vượt qua cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, Sri Lanka đã nhận bốn tỷ USD hỗ trợ tài chính từ Ấn Độ. Mỹ, Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đều đã đưa ra lời đề nghị giúp đỡ. Sự sẻ chia của cộng đồng quốc tế chính là “phao cứu sinh”, giúp hàng triệu người Sri Lanka vượt qua giai đoạn sóng gió hiện nay.