Giải cứu hơn 600 công dân bị lừa tại Campuchia

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong những ngày qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã tích cực trao đổi, hợp tác với các cơ quan chức năng sở tại trong việc hỗ trợ, giải cứu các công dân bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại Campuchia; đề nghị phía Campuchia không xử phạt hành chính những người này.
0:00 / 0:00
0:00

Theo TTXVN, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chủ động trao đổi, đề xuất với các cơ quan chức năng trong nước như Bộ đội Biên phòng; Cục Quản lý xuất nhập cảnh; các địa phương có đường biên giới với Campuchia áp dụng cơ chế xác minh nhanh, tiếp nhận ngay những công dân được giải cứu.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp các lực lượng chức năng Campuchia giải cứu 63 lao động Việt Nam. Đến chiều 29/8, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp Đồn Biên phòng Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đưa toàn bộ những người này về nước.

Ngày 1/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức đưa 26 công dân về nước qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang, trong đó có 11 người được giải cứu từ cơ sở lao động có liên quan vụ 42 công dân bỏ trốn, vượt sông về Việt Nam ngày 18/8, bao gồm một công dân bị bắt lại trong khi bỏ trốn.

Đến nay, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia đưa về nước an toàn hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đang khẩn trương tiến hành xác minh nhân thân một số người được phía Campuchia giải cứu, không có giấy tờ và sẽ sớm đưa về nước.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình người lao động Việt Nam tại Campuchia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại để nhanh chóng tiếp nhận thông tin, giải cứu, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân và đưa về nước những nạn nhân bị lừa đảo, môi giới ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Ngày 1/9, tại cửa khẩu quốc tế Phnom Den (tỉnh Takeo, Campuchia) và Tịnh Biên (tỉnh An Giang, Việt Nam), Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia phối hợp cơ quan chức năng nước sở tại và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên tổ chức bàn giao, tiếp nhận 26 công dân Việt Nam.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, trong số 26 trường hợp công dân Việt Nam bàn giao đợt này có 11 trường hợp được lực lượng chức năng Campuchia tạm giữ trong quá trình rà soát sòng bạc Rich World thuộc địa bàn ấp Chrey Thom, xã Sampeou Poun, huyện Koh Thom (tỉnh Kandal), sau vụ việc một nhóm lao động Việt Nam vượt sông Bình Di về Việt Nam vào ngày 18/8 vừa qua.

Sau khi xảy ra vụ việc nêu trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân, đề nghị cơ quan chức năng nước sở tại sớm điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên trong vụ việc, đặc biệt là trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động và sớm thông báo kết quả cho phía Việt Nam; đề nghị có kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ, rà soát cơ sở sử dụng lao động, tăng cường lực lượng để trấn áp, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sử dụng lao động bất hợp pháp và hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là các trường hợp bị bóc lột, cưỡng bức lao động.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban phòng, chống buôn người quốc gia Campuchia Sar Kheng đã lên án loại tội phạm này là "vô nhân đạo", đồng thời thông báo thiết lập các đường dây nóng, kêu gọi người dân trong nước, quốc tế cùng các bên liên quan tiếp tục hợp tác, cung cấp thông tin về hành vi buôn bán người dưới mọi hình thức để phòng, chống và triệt phá kịp thờ.