Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.542 đồng/lít (giảm 327 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.443 đồng/lít (giảm 324 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 20.806 đồng/lít (giảm 756 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 20.846 đồng/lít (giảm 748 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.251 đồng/kg (tăng 615 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Tại kỳ điều hành lần này, Bộ Công thương thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 600 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít; không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng.
Việc trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ ngày 21/2/2023.
Việc áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ ngày 21/2 đối với các mặt hàng tăng giá.
Mới đây, khi góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động nghiên cứu, kiến nghị phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giá xăng dầu.
Quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là cần sửa đổi Nghị định số 95/2021/NÐ-CP, giao thống nhất một đầu mối về Bộ Công thương là cơ quan quản lý ngành thực hiện nhiệm vụ về xác định giá và định mức chi phí; Bộ Tài chính đảm nhận thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra việc tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; việc điều hành và giám sát thực hiện trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.