Nâng cao hiệu quả điều hành kinh doanh xăng, dầu

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do đại dịch, xung đột Nga - Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng và làm bộc lộ một số bất cập trong điều hành kinh doanh xăng, dầu ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu được kỳ vọng sẽ giúp thị trường này ổn định trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có chính sách điều hành thị trường bán lẻ xăng, dầu ổn định. Ảnh: HẢI NAM
Cần có chính sách điều hành thị trường bán lẻ xăng, dầu ổn định. Ảnh: HẢI NAM

Từ câu chuyện của người dân và doanh nghiệp

Dù “cơn sốt” giá dầu thế giới đã hạ nhiệt, giá xăng, dầu trong nước đã bình ổn nhưng thị trường bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Theo quan sát của phóng viên báo Thời Nay, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn hoạt động cầm chừng để “ngóng” chính sách.

Trước đó, từ thời điểm tháng 10/2022 đã xảy ra hiện tượng nhiều cây xăng ở các tỉnh, thành phố phía nam (sau đó lan ra Hà Nội) treo biển “Hết xăng”, “Tạm nghỉ bán hàng”; một số cây xăng khác không đóng cửa nhưng chỉ bán “nhỏ giọt” 50.000 - 70.000 đồng/lần cho xe máy; 500.000 - 600.000 đồng/lần cho ô-tô khiến người dân xếp hàng dài chờ mua xăng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn cung nhiên liệu đầu vào.

Trước tình trạng trên, Bộ Công thương đã phải vào cuộc, yêu cầu các cây xăng mở cửa bán hàng, thậm chí xử phạt những đơn vị tự ý ngừng bán. Tuy nhiên, động thái này của cơ quan quản lý đã vấp phải phản ứng của hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu phản ánh rằng, việc giá dầu thế giới tăng cao, tỷ giá USD/VND cao (do FED tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát), chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng việc điều chỉnh không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong quý III/2022 tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng khiến họ không có đủ chi phí nhập hàng. Các doanh nghiệp bán lẻ thì nói rằng, giá cả trồi sụt thất thường, nhiều chu kỳ nhập cao bán thấp, tỷ lệ chiết khấu thấp (thậm chí không có chiết khấu) nên càng bán, càng lỗ khiến họ phải đóng cửa.

Tại nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ cho thị trường xăng, dầu và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, nguồn cung xăng, dầu (cả tự sản xuất lẫn nhập khẩu) vẫn cung ứng đủ cho nhu cầu trong nước song quá trình xăng, dầu đến tay người tiêu dùng lại gặp vấn đề.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như giá cả diễn biến thất thường, tỷ giá tăng cao…, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận chính sách điều hành (Nghị định 95 về kinh doanh xăng, dầu) đang áp dụng đã bộc lộ bất cập. Hàng loạt chi phí đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng, chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi… Đơn cử, chi phí bảo quản xăng, dầu từ năm 2013 chỉ có 30 đồng/lít nhưng hiện đã tăng lên 800 đồng/lít.

Trao đổi ý kiến với phóng viên báo Thời Nay, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận xét, việc khan hiếm xăng, dầu trong nước thời gian qua không phải do nguồn cung thế giới khiến chúng ta không nhập được hàng mà do cơ chế điều hành chưa phù hợp. “Không thể vì quy định bất hợp lý mà quay ra xử lý người kinh doanh”, ông Cường nói.

Nâng cao hiệu quả điều hành kinh doanh xăng, dầu ảnh 1

Nhiều người dân ở Bình Dương phải xếp hàng chờ xe bồn nhập hàng xong mới có xăng. Ảnh: BDO

Kỳ vọng gỡ “điểm nghẽn” chính sách

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5/11/2022, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, Chính phủ đã nhận thấy điều này và đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.

Sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng dự thảo chính sách, sáng 14/2, Bộ Công thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 95) và Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng, dầu.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, lý do phải sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 là do: Nghị định 95/2021/NĐ-CP ra đời ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu đã bộc lộ một số khiếm khuyết sau khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine xảy ra (từ tháng 2/2022) khiến thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá cả biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

Theo đó, Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến về 11 nội dung như: Cách tính giá bán lẻ xăng, dầu (nên tiếp tục để Nhà nước quy định giá trần bán lẻ xăng, dầu hay giao cho doanh nghiệp tự quyết định?); thời gian điều hành/công bố giá (nên giữ nguyên chu kỳ 10 ngày/lần như hiện nay hay rút xuống 7 ngày để cập nhật giá thế giới?); về mức chiết khấu tối thiểu; về việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng, dầu (BOG); về quy định cho phép các đại lý bán lẻ xăng, dầu được lấy từ nhiều nguồn hay chỉ một nguồn như hiện tại?...

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nói rằng, chính sách phải hướng đến lâu dài và tôn trọng quy định khách quan. Do đó phải xác định công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu, còn lại để thị trường tự điều tiết những nội dung gì? “Phải làm sao có được thị trường xăng, dầu bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, đồng thời kiểm soát được lạm phát nhưng vẫn phải thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Đông nhấn mạnh.

Các bên liên quan nói gì?

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (một doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu ở Trà Vinh) đề nghị công nhận vị thế của doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu tư nhân bởi cộng đồng này đang chiếm thị phần lớn trong chuỗi cung ứng, phủ khắp vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham hết.

Từ đó, ông Tây kiến nghị có quy định rõ ràng về mức chiết khấu tối thiểu và doanh nghiệp được giữ lại khoản này để hoạt động và coi đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ đối phó với biến động của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Phần chiết khấu tối thiểu này là cấu phần của công thức giá cơ sở, nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng, dầu được ổn định, công bằng; còn phần chiết khấu còn lại (chiết khấu mềm) giúp các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần.

Ngoài ra, doanh nghiệp này đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức, trong đó riêng khâu bán lẻ cộng thêm 5%/giá bán tại thời điểm bán, tương đương với 1.180 đồng/lít xăng, dầu theo giá hiện nay.

Ông Hà Thanh Tùng, đại diện Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (Hà Giang) kiến nghị đơn vị soạn thảo ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để bảo đảm không có phân biệt đối xử. Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ được từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ bán ra.

Trong khi đó, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ Hà Nội (APP) cho rằng, nếu chỉ cho thương nhân phân phối mua từ ba đầu mối (như Dự thảo của Bộ Công thương) là vi phạm Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh. Ông cho rằng, mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng, mua bán những gì pháp luật không cấm; sửa như vậy coi như không sửa (trước đây chỉ được mua từ một đầu mối), có thể dẫn tới méo mó thị trường xăng, dầu.

Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai đề nghị cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu được lấy nhiều đầu mối. Đồng thời, ông Phụng và ông Dũng kiến nghị chu kỳ điều chỉnh giá thay đổi, kéo dài thành

15 ngày như trước đây. Trong trường hợp nếu giá xăng, dầu có biến động từ 5% trở lên thì Bộ Công thương đề xuất quyền điều chỉnh giá xăng, dầu đột xuất thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, trong vấn đề điều hành xăng, dầu thì mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng, dầu về cho thị trường điều tiết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

Đây cũng là quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ông Cung cho rằng, cách quản lý và điều hành thị trường xăng, dầu hiện nay đã lạc hậu, không hiệu lực, thiếu hiệu quả; làm tăng thêm chi phí cho xã hội và người tiêu dùng; do đó cần cải cách triệt để theo hướng thị trường. “Để làm được như vậy cần có thời gian, lộ trình nhưng cần tiếp cận theo hướng đó để tiến hành từng bước”, ông Cung nói.

Trao đổi ý kiến thêm với PV báo Thời Nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nêu quan điểm, chính doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá xăng, dầu, bao lâu thay đổi giá một lần… theo biến động của thị trường vì chỉ có họ mới biết cách tính toán chi phí cho từng giọt xăng, dầu của mình. Nếu Nhà nước có can thiệp giá này thì chỉ cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian qua. Còn về lâu dài, chúng ta cần làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa của nó.