Giá vé máy bay cao do những yếu tố nào?

NDO - Liên quan ý kiến phản ánh về giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa tăng cao thời gian qua, ngày 23/5, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vé máy bay tăng cao không phải do giá dịch vụ của ngành hàng không.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.
Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, trong giá vé máy bay đã bao gồm nhiều khoản chi phí từ nhiên liệu, thuế, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, các loại giá dịch vụ khác,... Cơ cấu chi phí 1 chuyến bay trên các đường bay nội địa gồm: nhiên liệu hàng không theo thị trường quốc tế (chiếm 37-42%) trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỷ trọng từ 7,7-8,7% tổng chi phí 1 chuyến bay.

Bên cạnh đó, còn có chi phí thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay (32-41%); phục vụ chuyến bay (6-7%), bao gồm cả các dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định; chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác (16-19%),… do doanh nghiệp quản trị.

Giá vé máy bay cao do những yếu tố nào? ảnh 1

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến giá vé máy bay tăng cao không phải do giá dịch vụ của ngành hàng không.

“Với cơ cấu như trên, cơ quan nhà nước chỉ có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan trong vấn đề nhiên liệu, như giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, cùng chi phí dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải định giá”, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.

Hiện nay, các dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải quy định gồm: điều hành bay đi/đến (do Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM thu); dịch vụ cất/hạ cánh tàu bay (doanh nghiệp cảng thu); dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay (doanh nghiệp cảng thu); dịch vụ cho thuê quầy thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói; dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu,...

Đối với các chi phí trong vấn đề nhiên liệu, hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2-2,3% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang có mức thu khoảng 1.000 đồng/lít, được áp dụng đến hết năm 2024. Thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 3,4-3,8% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang là 10% và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (chiếm tỷ trọng 2,3-2,6% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang ở mức 7%.

Đáng chú ý, trong cơ cấu này, chi phí liên quan đến gốc ngoại tệ chiếm khoảng 80% chi phí của một chuyến bay. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp điều hành tỷ giá phù hợp. Ngoài ra, trong cơ cấu giá vé, còn có các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh.

Cụ thể, giá phục vụ hành khách từ 60-100 nghìn đồng; giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý 20 nghìn đồng. Ngoài ra, còn có thuế giá trị gia tăng 8-10% tùy từng thời điểm và giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm như suất ăn, mua thêm hành lý, bảo hiểm,...

Giá vé máy bay cao do những yếu tố nào? ảnh 3

Ngoài ra, trong cơ cấu giá vé, còn có các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh.

Trước đó, báo cáo kết quả kiểm tra thực tế mức giá vé máy bay bán ra, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm cho hay: Trong giai đoạn từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/4/2024, so với cùng kỳ năm 2023, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng.

Tại 3 đường bay trục (gồm: Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng), giá vé trung bình của các hãng đều tăng. Trong đó, Vietnam Airlines tăng tương ứng ở 3 đường bay trục là 19,9%; 28,4% và 14,9%. Vietjet tăng 17,9%; 39,9% và 27%. Bamboo Airways tăng 2,1%; 24,4% và 22,5% và Vietravel Airlines tăng 10,2%; 17,7% và 18,6%.

Mặc dù có sự gia tăng về tỷ lệ phân khúc giá cao, nhưng chiếm phần lớn trong cơ cấu giá vé bán ra của các hãng vẫn ở phân khúc giá thấp và trung bình (từ 60% đến 70% số lượng vé bán ra).