Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ trúng gói thầu số 3, xây lắp Trạm xử lý nước thải, thuộc Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía nam thành phố Thái Nguyên với giá trị 61 tỷ đồng, thời gian thi công 16 tháng, bắt đầu từ tháng 2/2022. Hiện nay, giá sắt, xăng dầu tăng cao làm cho người đứng đầu doanh nghiệp như đang ngồi trên đống lửa.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, ông Đào Hữu Hệ cho biết: “Khi đấu thầu và ký hợp đồng gói thầu có giá trị 61 tỷ đồng thì giá sắt ở mức 16,5 triệu đồng/tấn, nay tăng lên hơn 19 triệu đồng/tấn; giá dầu 14,5 nghìn đồng/lít, nay tăng lên gần 22 nghìn đồng/lít nên triển khai thi công như bình thường thì sẽ lỗ lớn, nếu dừng thi công thì công trình chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, bị phạt và nhiều hệ luỵ phức tạp khác”.
Tương tự như vậy, liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, Công ty BCD trúng gói thầu số 05, thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị công trình Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên với giá trị 153,7 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng, bắt đầu từ tháng 6/2021.
Ông Hoàng Hữu Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, trần tình: “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là giá sắt thép, xi-măng, cát, đá, xăng dầu, bê-tông nhựa đều tăng từ 10 đến hơn 30% so với giá thành khi đấu thầu và ký hợp đồng. Mặt khác, chủ đầu tư đang “ép” tiến độ, trong khi đó vốn thanh toán ít, chậm nên chúng tôi đang đối mặt với thua lỗ lớn”.
Đây chỉ là hai trong số nhiều gói thầu xây dựng dự án, công trình hạ tầng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định, không điều chỉnh giá trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Do đó, nhà thầu xây dựng đang đứng trước áp lực về tiến độ, thua lỗ lớn.
Để tránh những vấn đề phát sinh do giá vật tư tăng cao, năm 2022, thành phố Thái Nguyên triển khai hàng chục công trình, dự án, nhưng Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Thái Nguyên Nguyễn Đức Lượng cho biết, chờ đến ngày 10/4 tỉnh công bố đơn giá mới thì triển khai dự án, công trình.
Theo quy định tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/6/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, đối với gói thầu có quy mô nhỏ (dưới 20 tỷ đồng), thời gian thực hiện ngắn (thường là dưới 12 tháng) thì áp dụng hình thức hợp đồng không điều chỉnh đơn giá. Còn với gói thầu có quy mô lớn hơn 20 tỷ đồng, thời gian thực hiện dài thì áp dụng hình thức hợp đồng điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công trình, dự án, gói thầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài, nhưng không thực hiện hình thức hợp đồng điều chỉnh giá, khi giá vật tư tăng cao là áp lực lớn đối với các nhà thầu, có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Theo quy định và thực tế hiện nay, các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần áp dụng hình thức hợp đồng điều chỉnh giá đối với công trình, dự án lớn nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, phù hợp với kinh tế thị trường.