Sở Xây dựng Thanh Hóa đã phối hợp rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung thêm 6 mỏ đất, 2 mỏ cát, 10 mỏ đá vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, giai đoạn 2023-2025. Trong số 82 mỏ phê duyệt kế hoạch đấu giá trong năm 2022 và 2023, cơ quan chức năng đã đấu giá thành công 58 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện phương án bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tiếp nhận biểu mẫu kê khai hàng hóa, dịch vụ đặc thù từ các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng, tổng hợp, công khai giá hằng tháng, hằng quý trên trang thông tin điện tử Sở Tài chính.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp. |
Tại kỳ họp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan phản ánh, bảng giá vật liệu xây dựng được ban hành rất thấp, không sát thực tế, khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, giá đất ở tại các Khu đô thị mới lại áp dụng giá cách đây 2-3 năm trước, thời điểm bất động sản đang sôi động.
Việc cấp phép khai thác khoáng sản trữ lượng quá thấp cho các mỏ vật liệu xây dựng so với thực tế, không đủ khối lượng đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh. Dẫn đến thiếu hụt vật liệu xây dựng, doanh nghiệp thi công cầm chừng, chậm tiến độ trong việc thực hiện các dự án, giải ngân vốn đầu tư công hoặc buộc phải mua vật liệu với mức giá cao, không hóa đơn. Doanh nghiệp thêm khó khăn, thất thu thuế, chưa khai thác kịp thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ những dự án đấu giá đất ở, đô thị chậm tiến độ.