Giá vàng thế giới lên mức cao nhất trong một năm

Giá vàng thế giới ngày 13/4 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới ngày 13/4 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây giữa bối cảnh nhiều số liệu kinh tế yếu của Mỹ làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm dừng lộ trình tăng lãi suất. Khả năng suy thoái nhẹ trong thời gian tới cũng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như vàng.

Vào 0 giờ 40 phút sáng 14/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 2.042,50 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và thấp hơn khoảng 30 USD so với mức kỷ lục ghi nhận trong năm 2020. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,5% lên 2.055,30 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu chính phủ và đồng USD đã giảm xuống sau số liệu cho thấy mức tăng giá sản xuất trong tháng 3/2023 đã giảm và số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên.

Nhà giao dịch kim loại quý Alexander Zumpfe tại Heraeus cho biết những dữ liệu kinh tế này đã củng cố đánh giá của thị trường rằng chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc, điều này khiến vàng trở thành kênh hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định việc FED dừng chu kỳ tăng lãi suất là một điều tích cực đối với vàng, song lạm phát nhìn chung vẫn cao hơn mức mà FED mong muốn.

Biên bản cuộc họp của FED đưa ra ngày 12/4 chỉ ra rằng một số nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc việc tạm dừng tăng lãi suất và dự đoán rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gần đây sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Vàng, vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn, có xu hướng tăng trong thời kỳ kinh tế hoặc tài chính bất ổn, trong khi lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.

Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay cũng tăng 1,6% lên 25,88 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 1 năm.

Trong diễn biến trái chiều cùng ngày, giá dầu thế giới đã giảm hơn 1 USD sau khi báo cáo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) làm gia tăng quan ngại về nhu cầu "vàng đen" trong mùa hè và các nhà giao dịch bán ra chốt lời sau khi mặt hàng này tăng lên mức cao của nhiều tháng trong phiên trước đó.

Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,24 USD (1,4%) xuống 86,09 USD/thùng. Đây là lần thứ hai trong tháng này giá dầu thế giới đóng cửa ở mức thấp. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,1 USD (1,3%) xuống 82,16 USD/thùng.

Trong báo cáo hằng tháng công bố ngày 13/4, OPEC đã cảnh báo khả năng nhu cầu dầu sụt giảm trong mùa hè, đồng thời nhấn mạnh các kho dự trữ ngày càng tăng và những thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu. Báo cáo cũng nêu rõ những lý do khiến OPEC và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng bất ngờ vào đầu tháng này.

Bất chấp mức giảm trong ngày 13/4, quyết định của OPEC+ đã đẩy giá dầu Brent tăng gần 8% kể từ đầu tháng 4 đến này và điều này tiếp tục làm tăng kỳ vọng về khả năng thắt chặt thị trường dầu mỏ trong tương lai.

Đà giảm của giá dầu cũng được hạn chế do OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023. Các chỉ số kinh tế khác cũng hỗ trợ thêm thị trường.