Bấp bênh giá “vàng đen”

Sau khi ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022 trong tháng 3, giá dầu thế giới đã tăng vọt sau khi các nước sản xuất lớn bất ngờ công bố quyết định cắt giảm sản lượng. Động thái này có thể đẩy giá “vàng đen” lên cao và khiến thị trường năng lượng trở nên khó dự đoán.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: INGRAM PINN
Biếm họa: INGRAM PINN

Giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 5% và 2% trong tháng 3, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Như vậy, giá dầu Brent giảm quý thứ ba liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2015. Tuy nhiên, giá dầu tăng vọt khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) bất ngờ tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng mới ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới. Saudi Arabia dẫn đầu nhóm với cam kết giảm nguồn cung 500.000 thùng/ngày. Các thành viên bao gồm Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Algeria cũng tiếp bước, trong khi Nga cho biết việc cắt giảm sản lượng mà họ đang thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ tiếp tục cho đến cuối năm 2023. Đây là đợt cắt giảm bổ sung cho đợt giảm 2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đã thống nhất vào tháng 10/2022. Cam kết cắt giảm sản lượng mới nhất đưa tổng mức giảm sản lượng của OPEC+ lên khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 3,6% trong tổng nhu cầu dầu toàn cầu.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 3/4, OPEC+, đã nhất trí theo đuổi các mục tiêu sản lượng sau khi một số thành viên của nhóm này tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng trong một động thái bất ngờ trước cuộc họp. OPEC+, liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ, tái khẳng định cam kết với Tuyên bố Hợp tác (DoC), được quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 của OPEC+ diễn ra vào ngày 5/10/2022, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ đầy đủ cơ chế này. OPEC+ sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tới.

Thông báo về quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường, vốn đang kỳ vọng liên minh này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách sản lượng được thống nhất vào tháng 10/2022. Giá dầu WTI giao tháng 5 tăng 4,75 USD, tương đương 6,28%, lên mức 80,42 USD/thùng trên thị trường New York trong phiên giao dịch ngày 3/4. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 6 cũng tăng 5,04 USD, tương đương 6,31%, chốt phiên ở mức 84,93 USD/thùng tại thị trường London. Theo Dow Jones Market Data, đây là mức tăng giá theo ngày cao nhất tính từ ngày 12/4/2022 (với dầu WTI) và từ ngày 21/3/2022 (với dầu Brent).

Nhà phân tích Vandana Hari, người sáng lập hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights (Singapore), nhận định rằng, động thái mới nhất của OPEC+ có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thâm hụt trong quý II/2023, trái ngược với dự báo dư thừa được đưa ra trước đó. Trong khi đó, chuyên gia cao cấp Ipek Ozkardeskaya tại Swissquote Bank cho rằng, mặc dù giá dầu có khả năng sẽ tăng lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí 100 USD/thùng, nhưng việc duy trì các mức này “sẽ rất khó”. Theo bà, nếu giá dầu cao ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu toàn cầu vào thời điểm nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và làm gia tăng thêm lo lắng về nguy cơ suy thoái, thì giá dầu có thể sẽ nhanh chóng đi xuống.

Sau quyết định gây sốc của một loạt quốc gia thuộc OPEC+, Mỹ nhận định thị trường năng lượng thế giới đối mặt với rủi ro lạm phát mới. Nhà Trắng cho biết quyết định của OPEC+ là không nên làm trong điều kiện thị trường hiện tại. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cho biết, Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng với trọng tâm là giá xăng, dầu cho người Mỹ.

Các nhà phân tích và giới giao dịch đều cho rằng, quyết định mới nhất của OPEC+ là tin xấu đối với những người mua dầu và OPEC đang tìm cách bảo vệ lợi nhuận trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên của OPEC+ ra tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện là nhằm duy trì mức giá phù hợp cho dầu và các sản phẩm liên quan dầu. Nga cho rằng việc duy trì giá dầu ở mức nhất định trong bối cảnh ngành này đang cần nhiều đầu tư và việc đáp ứng nhu cầu năng lượng tái tạo của tất cả các quốc gia trong tương lai gần là không khả thi. Còn Kuwait khẳng định việc các nhà sản xuất dầu mỏ của OPEC+ cắt giảm sản lượng là biện pháp mang tính phòng ngừa và nhằm mục đích bình ổn thị trường.