Giá vàng ngày 6/9 đi xuống do đồng USD tăng giá

NDO - Giá vàng thế giới hôm nay (6/9) giảm do chịu áp lực bởi sự bứt phá của đồng USD, giao dịch quanh mức 1.935,5 USD/ounce. Trong nước, giá vàng SJC giao dịch sát mức 68,4 triệu đồng/lượng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Giá vàng trong nước sáng nay đứng yên

Giá vàng trong nước sáng 6/9 tạm thời đứng yên sau phiên tăng giá ngày hôm qua, giao dịch quanh mức 68,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng ngày 6/9 đi xuống do đồng USD tăng giá ảnh 1
Thống kê giá vàng của Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Rồng Việt VDOS - Cập nhật lúc 9 giờ ngày 6/9.

Cụ thể, tính đến 9 giờ sáng nay, giá vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết ở mức 67,65 triệu đồng/lượng mua vào và 68,4 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so kết phiên hôm trước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng thương hiệu này bán ra ở mức tương tự nhưng mua vào cao hơn 50.000 đồng/lượng so khu vực Hà Nội.

Trong khi đó, giá vàng SJC niêm yết mua vào-bán ra ở mức 67,75-68,37 triệu đồng/lượng, đứng yên so ngày trước đó.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 56,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 57,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so kết phiên hôm trước.

Giá vàng thế giới sáng nay điều chỉnh giảm nhẹ

Tính đến 9 giờ sáng 5/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm 12,1 USD so kết phiên trước đó, giao dịch ở mức 1.924,7 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.950,1 USD/ounce, giảm 2,5 USD.

Giá vàng ngày 6/9 đi xuống do đồng USD tăng giá ảnh 2
Biểu đồ giá vàng sáng 6/9. (Ảnh: kitco.com)

Giá vàng thế giới giảm do chịu áp lực bởi sự bứt phá của đồng USD. Sáng nay, chỉ số USD-Index tăng vọt lên gần mốc 105 điểm. Những lo lắng về tăng trưởng chậm lại đang bủa vây các nền kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc và khu vực đồng euro, đã đẩy nhu cầu trú ẩn với “đồng bạc xanh” lên cao nhất trong nhiều tháng.

Ngoài ra, thị trường vàng cũng chứng kiến lực bán mới do áp lực lạm phát khi giá dầu tăng, khiến các nhà đầu tư lo ngại xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian lâu hơn. Một số nhà đầu tư đang thất vọng vì kim loại quý này không có đủ động lực tăng giá để phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng hơn 1.980 USD/ounce vào tuần trước.

Cụ thể, giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 sau khi các thành viên OPEC+ là Saudi Arabia và Nga tuyên bố rằng họ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng dầu thêm 3 tháng nữa. Saudi Arabia sẽ tiếp tục giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, trong khi Nga sẽ tiếp tục giảm 300.000 thùng/ngày.

Người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo Ole Hansen cho biết, giá dầu tăng đang gây ra lo ngại lạm phát, điều này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Ông Hansen nhận định rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ gặp khó khăn khi tiếp tục tiêu hóa động thái mới nhất của OPEC. Nhưng nhìn vào triển vọng dài hạn, vị chuyên gia dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu cơ bản về vàng.

Giá vàng ngày 6/9 đi xuống do đồng USD tăng giá ảnh 3 Giá vàng ngày 6/9 đi xuống do đồng USD tăng giá ảnh 4
Biểu đồ giá vàng trong nước và thế giới 30 ngày gần nhất. (Ảnh: SJC Hà Nội, Kitco News)

Sáng nay, Chỉ số USD-Index tiếp tục tăng lên mức 104,87 điểm; lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,270%; chứng khoán Mỹ điều chỉnh nhẹ sau 2 tuần phục hồi; giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 do Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng, giao dịch quanh mức 86,81 USD/thùng.