Giá trị đặc biệt từ những kỷ niệm về Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng

NDO - Ở bất cứ nơi đâu trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - nơi Bác đã ở và làm việc trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời, đều chứa đựng những kỷ niệm về Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng, nhất là vào dịp Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 hằng năm.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là "địa chỉ đỏ" luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các em thiếu niên, nhi đồng tới tham quan, học tập.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là "địa chỉ đỏ" luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có các em thiếu niên, nhi đồng tới tham quan, học tập.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình yêu thương đặc biệt. Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch. Tuy bận rộn với biết bao công việc quan trọng, Người vẫn luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1955, Bác Hồ có thư gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền nam. Bác khuyên: "Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ". Bác nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền nam phải "yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...". Người cũng căn dặn các cô, các chú cán bộ "thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình".

Cũng ngày 1/6/1955, Bác Hồ có bài viết “1-6” đăng trên Báo Nhân Dân số 455. Bác nhắn nhủ các bậc phụ huynh, các đoàn thể, tổ chức về trách nhiệm với các em nhi đồng. Theo Bác, để chăm sóc và giáo dục các cháu thiếu niên, nhi đồng thành những người công dân tốt, đòi hỏi phải có phương pháp tốt, cách giáo dục tốt.

Người cho rằng chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một môn khoa học đặc biệt, trước hết phải hiểu được tâm lý trẻ và có phương pháp, cách thức giáo dục phù hợp để phát huy tính sáng tạo, thông minh đối với trẻ em: "phải lấy tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em "5 điều yêu: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quý của công"; "phải khéo nuôi dạy giúp cho nhi đồng phát triển sức khoẻ và trí óc, thành những trẻ em có 4 tính tốt: hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà"; và có "tư cách của con người mới: không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan".

Buổi chiều, dù bận rộn nhiều việc, Người vẫn dành thời gian đón các cháu thiếu nhi và cùng vui chơi với các cháu ở vườn trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Qua đó, chúng ta thấy được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt mà Bác dành cho các cháu nhi đồng.

Giá trị đặc biệt từ những kỷ niệm về Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng ảnh 2

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Tòa nhà Phủ Chủ tịch bề thế, uy nghi là nơi đã diễn ra những hoạt động đối nội, đối ngoại của Bác trên cương vị người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước. Căn phòng sang trọng nhất, nơi có 5 vòm cửa lớn ở chính diện tòa nhà là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như: những phiên họp của Hội đồng Chính Phủ, Quốc hội và cũng là nơi trang trọng để đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em, các đại sứ đến trình quốc thư.

Vậy nhưng, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Thiếu nhi năm 1961, Bác đã dành nơi đặc biệt này cho các cháu vui chơi và triển lãm "Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy". Trong 20 ngày, có gần 10 vạn thiếu nhi đến xem triển lãm và vui chơi trong dịp hè. Trung tâm triển lãm chính là phòng khách sang trọng của ngôi nhà. Nhiều em lần đầu tiên được đến nơi này thích lắm, chỗ nào cũng sờ, sung sướng lăn cả ra nhà, ra bãi cỏ.

Những tiếng hát, tiếng cười nói vang vang, đúng là ngày hội. Có đồng chí sợ tiếng loa làm ảnh hưởng sang các cơ quan chung quanh nên xin Bác bỏ bớt loa đi, nhưng Bác bảo: "Triển lãm của các cháu phải để loa mới vui". Bác còn nhắc phải có nhiều kem, si-rô, nước và bánh kẹo để phục vụ các cháu…

Vào dịp sinh nhật mình, Bác thường lấy lý do "đi công tác xa" để tránh sự chúc thọ rườm rà, nhưng mỗi khi đến dịp Quốc tế Thiếu nhi, dù bận đến mấy, Bác vẫn dành thời gian vui chơi với các cháu nhỏ. Có những lần Bác đón các cháu vào chơi tại Phủ Chủ tịch, trong vườn Bác, có những lần Người đến tận các trường học, trại thiếu nhi để thăm hỏi các cháu. Trong những bức thư gửi thiếu niên, nhi đồng, cuối thư, Bác thường hay viết: "Bác yêu các cháu rất nhiều", hay "Bác hôn các cháu!".

Những ngày tháng cuối cùng, Bác vẫn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho các cháu thiếu nhi. Ngày 31/5/1969, các em học sinh thuộc hệ sơ trung của Trường Âm nhạc Việt Nam vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Hôm ấy, tuy sức khỏe Bác đã yếu nhưng Bác vẫn rất vui khi thấy các cháu biểu diễn. Bác trìu mến gọi các cháu là "những nghệ sĩ tí hon", "những nghệ sĩ tương lai". Bác căn dặn: "Các cháu phải học giỏi để sau này phục vụ nhân dân"…

Ngày 1/6/1969, Bác Hồ đã viết bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" đăng Báo Nhân Dân, số 5526. Bác viết: "Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ"…

Những kỷ niệm, bức thư, bài viết Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng mỗi dịp Tết thiếu nhi từ nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đều thấm đẫm tình yêu thương sâu sắc của Bác với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Chăm lo cho thế hệ trẻ, cho trẻ em thể hiện trong phong cách sống, trong đạo đức, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người.

Trong bản Di chúc Bác để lại trước lúc đi xa, Người không quên gửi những lời yêu thương nhất cho các cháu: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…".

Thấm nhuần tư tưởng của Bác "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân", Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều cháu thiếu niên, nhi đồng đã đạt được những thành tích xuất sắc trên nhiều các lĩnh vực, làm rạng danh đất nước, đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đó chính là điều mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.