Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025, và phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm hai địa phương dẫn đầu về chính quyền số và kinh tế số. Trong đó, kinh tế số chiếm 40% GRDP của thành phố, cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10%.
Để thực hiện mục tiêu này, theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố tập trung xây dựng ba nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân; nhóm dữ liệu tài chính-doanh nghiệp; nhóm dữ liệu về đất đai-đô thị. Đồng thời, thành phố mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin; triển khai nền tảng số hạ tầng thông tin quy mô lớn, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới, triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng dữ liệu mở...
Từ đầu năm 2021 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình, ý tưởng về các giải pháp đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, địa phương tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cung cấp thông tin cho người dân qua Cổng dịch vụ công Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp hệ thống tổng đài 1022 thành Cổng thông tin hợp nhất đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp. Ngoài ra, thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là AI vào cải cách hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn…
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai chuyển đổi số của thành phố trong thời gian qua ngày càng nhanh và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả ba trụ cột: Chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số được lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt, bởi chính quyền chuyển đổi số thành công nhanh thì nền hành chính sẽ hiệu quả hơn và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở hạ tầng số chưa được đầu tư đồng bộ, nhận thức về công tác chuyển đổi số của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa được cao…
Các chuyên gia cho rằng, sự bùng nổ của công nghệ như hiện nay đã và đang từng ngày thay đổi cách thức làm việc, môi trường làm việc và thậm chí nhiều công việc sẽ biến mất trong thời gian sắp tới. Để chuyển đổi số là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào bảy trụ cột: Làm chủ dữ liệu; cơ sở hạ tầng an toàn, linh hoạt; nguồn nhân lực "sành công nghệ"; sự tham gia của hệ sinh thái; quy trình làm việc thông minh; hợp nhất trải nghiệm công dân, doanh nghiệp theo hướng công nghệ số; cải tiến, sáng tạo mô hình cung cấp dịch vụ mới.
Theo bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố cần tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế thông qua số hóa. Trong đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số ở mọi quy mô cho doanh nghiệp; xây dựng khung pháp lý để đáp ứng nền kinh tế số và khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới, phát triển cụm công nghiệp số và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp...
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 268 nghìn doanh nghiệp, chiếm hơn 30% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong số này có khoảng 7.000 doanh nghiệp thông tin-truyền thông. Phần lớn các doanh nghiệp ở thành phố đều nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp tại địa phương đã sẵn sàng cho bước tiến chuyển đổi số mang tính đột phá.
Bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu cấp thiết của mọi doanh nghiệp. Do đó, các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cần phải cung cấp được nền tảng số không chỉ mang tính tiện dụng và khả năng tùy biến cao, mà còn phải bảo đảm hiệu năng, tính bảo mật.
Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh (DXCenter) cho biết: Những băn khoăn thường xuyên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lựa chọn đúng nền tảng chuyển đổi số phù hợp, bởi nếu lựa chọn nhà tư vấn không phù hợp sẽ dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc. Cho nên, doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp có khả năng tích hợp cao, có tính thực tiễn; giải pháp đáp ứng mọi quy mô doanh nghiệp… Doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ thì nên triển khai từng bước, mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp…
Đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh để phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; giảm 40% số thủ tục hành chính; tăng 40% số dịch vụ sáng tạo. Đồng thời, phổ cập dịch vụ internet cáp quang băng thông rộng toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G…