Trước hết, chúng tôi đồng tình với ông trong nhận định về sự ốm yếu của lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay. Sự ốm yếu này, theo chúng tôi, không chỉ có trong mỹ thuật mà còn là trong văn học và các ngành nghệ thuật khác. Vì vậy, nếu có cái nhìn tổng thể, chắc chắn sẽ phát hiện và lý giải được vấn đề ở chiều rộng cũng như chiều sâu của hiện tượng.
Chúng tôi cũng thấy xấu hổ - cần phải gọi đúng như thế, về trách nhiệm của giới mình -những người viết lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay khi ông đặt ra một câu hỏi thẳng thừng: "Thực trạng của phê bình mỹ thuật hiện nay ra sao, chỉ những người làm lý luận phê bình mỹ thuật hiểu hơn cả. Vấn đề là họ có dám thay đổi, dám tự vấn, phủ định chính mình để tìm ra những kiến giải mới hay tiếp tục như dòng sông lững lờ chảy bên cạnh đời sống mỹ thuật đang náo nhiệt, mới mẻ hằng ngày"?
Không phải "bỏ chung một rọ", nhưng cùng với lý luận phê bình, thì đời sống mỹ thuật (sáng tác, triển lãm...) có thật sự náo nhiệt, mới mẻ hay cũng đang chững lại, đang ở tình trạng ốm yếu cần phải thăm khám? Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề chúng tôi muốn bàn tới trong bài viết này; chúng tôi chỉ muốn khuôn lại trong lĩnh vực phê bình lý luận mà thôi.
Họa sĩ Vi Kiến Thành viết: "Không có nhà phê bình mỹ thuật thì vẫn có tác phẩm mỹ thuật xuất sắc, nhưng sẽ không có đông đảo công chúng và thị trường mỹ thuật phát triển". Ở chỗ này, tôi chỉ đồng ý với ông một nửa mà thôi. Với câu này, phải chăng ông không thừa nhận sự tác động của nhà lý luận phê bình tới nhà sáng tác?
Từ trước công nguyên, bằng tư duy lý luận, Đề-mô-crit đã phát hiện ra vật chất được cấu tạo bằng nguyên tử. Mãi đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bằng những thiết bị hiện đại, các nhà vật lý thực nghiệm mới nhìn thấy và mô tả được chúng. Với bảng tuần hoàn kỳ diệu của mình, nhà hóa học Nga Men-đê-lê-ép đã phán đoán ra cả những nguyên tố sẽ được phát hiện. Chỉ tính toán trên giấy, các nhà thiên văn học đã tìm ra những ngôi sao, những thiên hà mới trước khi kính viễn vọng có thể nhìn thấy nó. Đó là vai trò của lý luận trong khoa học.
Với mỹ thuật, không họa sĩ nào có thể tự vẽ mà không đọc, không học để hiểu được nghệ thuật là gì, thế nào là tượng trưng, lập thể... và muôn ngàn kiến thức lý luận khác.
Xưa nay, không biết bao nhiêu câu chuyện được đặt ra để nói xấu nhà phê bình, tiêu biểu nhất là câu chuyện của Vôn-te. Ông kể rằng, ở chân núi kia, một hôm, nhà phê bình Giăng của chúng ta bị con rắn rất độc cắn. Chuyện gì đã xảy ra? Nhà phê bình không chết còn con rắn thì lập tức ngắc ngoải...
Đằng sau câu chuyện này là gì? Là sự ảnh hưởng không thể thiếu, không thể tránh được của nhà phê bình đối với nhà sáng tác.
Quả là trên thực tế, có nhiều nhà phê bình "độc hơn rắn", có nhiều nhà phê bình non kém, nên bị nhà sáng tác coi là "ăn theo", không đọc được tác phẩm đúng như ông nói và như một nhà thơ đã giễu: Lăm le cái thước phàm trần, Để đo kích thước thánh thần, em ơi!
Trong lịch sử văn học và nghệ thuật, có nhiều nhà văn, họa sĩ bậc thầy, khi nghe ý kiến phê bình đúng đắn, đã đốt bỏ cả tiểu thuyết, cả những bức tranh tâm huyết của mình.
Nền lý luận, phê bình mỹ thuật hiện nay đang ốm yếu. Quá đúng. Nhưng đã có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, tại sao đội ngũ phê bình lý luận mỹ thuật ở nước ta lại lèo tèo đến thế? Nguyễn Trân, Thái Bá Vân, Thái Hanh, Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Đỗ Bảo, Lê Quốc Bảo..., người đã ra đi, người đã về già. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Phạm Trung, Lê Thiết Cương... có nhiều phát kiến mới mẻ nhưng còn bận chuyên tâm việc khác. Và những ai nữa? Các nhà báo viết về VHVN.Trong số ấy, có nhiều người thông minh, năng động và nhiệt huyết đối với ngành mỹ thuật. Họ là tác giả chủ yếu của các bài viết về mỹ thuật trên các báo hiện nay nhưng họ không được đào tạo về mỹ thuật; thường chỉ nói lại ý người này, người nọ. Công tác của họ lại thay đổi thường xuyên theo sự phân công của tòa soạn, thời gian theo dõi ngành không nhiều, nên rất ít người có thể trở thành một nhà phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp.
Câu hỏi phải đặt ra một cách ráo riết là, chúng ta đã thật sự coi trọng công tác lý luận phê bình; coi trọng người làm công tác phê bình chưa?Theo tôi là chưa, ở vĩ mô cũng như vi mô. Chính vì sự thiếu coi trọng đó nên tạo ra lỗ hổng lớn đầu tiên là ở khâu đào tạo. Khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật ở ĐH Mỹ thuật Hà Nội (Yết Kiêu) cũng chỉ thành lập từ năm 1978 và cũng không nhiều người theo học. Có học rồi nhiều người cũng bỏ nghề. Vì sao? Vì cái nghề này không kiếm ra tiền.
Nghề phê bình không dễ kiếm tiền, càng không dễ kiếm danh, cho nên, khi ông viết: "Cơn bão của cơ chế thị trường đã làm không ít nhà lý luận phê bình mỹ thuật bị cuốn vào guồng quay của hư danh, xa rời bản chất nghề nghiệp" thì tôi thấy hơi bị nghiệt ngã."Giao đãi", "lăng xê" có thể hơi đậm một chút ở lúc này, lúc khác trong các bài viết, nhưng tới mức "xa rời bản chất nghề nghiệp" như ông nói thì muôn ngàn lần không, mong ông "thẩm" và "phán" lại cho! Còn viết phê bình, là còn có tình yêu, tâm huyết với sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà. Giá như ông thêm cho một câu hỏi, cơ quan nhà nước có trách nhiệm và Hội Mỹ thuật đã quan tâm đến đội ngũ lý luận phê bình mỹ thuật như thế nào!
Một thế hệ cây bút đã già và cỗi. Có những hạn chế khuyết điểm. Đúng vậy. Mỗi người trong đội ngũ này cần thay đổi. Nhưng cái cần hơn là thay đổi cả một đội ngũ. Làm sao có những cây bút mới, trẻ, tài năng và sung sức? Đặt ra những câu hỏi, nêu ra thực trạng là cần nhưng tìm ra giải pháp còn cần hơn.
Hy vọng ở cương vị cục trưởng quản lý nhà nước về ngành, ở vai Phó Chủ tịch hội nghề nghiệp, ông sẽ góp phần quan trọng để cải thiện tình hình.
Xin đón đợi những bài viết mới, hấp dẫn và sâu sắc của ông.