Gia nhập Công ước 98 của ILO đáp ứng yêu cầu hội nhập

NDO -

NDĐT - Sáng 7-6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu, sáng 7-6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu, sáng 7-6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Gia nhập Công ước số 98 là cần thiết

Bày tỏ quan điểm đồng ý với Tờ trình của Chủ tịch nước về việc tham gia Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc tham gia Công ước này là phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, tham gia Công ước số 98 của ILO đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù tổ chức công đoàn hay tổ chức người sử dụng lao động đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tuy nhiên công tác thương lượng tập thể vẫn đang là vấn đề chưa bảo đảm hiệu quả, chưa bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của giới chủ, chưa góp phần xây dựng được quan hệ lao động hài hòa. Thực tiễn nước ta đang đòi hỏi nâng cấp hệ thống pháp luật liên quan đến thương lượng tập thể. Ngoài ra, Việt Nam tham gia ILO thì đương nhiên chúng ta phải chấp nhận các điều ước mà họ đã thông qua.

Gia nhập Công ước 98 của ILO đáp ứng yêu cầu hội nhập ảnh 1

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới chúng ta đang vận động ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một trong những nội dung rất quan trọng là thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với trách nhiệm là thành viên của ILO, chúng ta có trách nhiệm cam kết thực hiện các nội dung liên quan đến quyền công dân, quyền con người cũng như tham gia các tổ chức liên quan. Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP, trong Chương XIX về lao động của hiệp định này đã quy định rõ trách nhiệm là "Các bên tham gia hiệp định sẽ phải thông qua và duy trì trong luật, bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của người lao động, trong đó có quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể theo Tuyên bố 1998 của ILO". Điều 3 Chương XIII về thương mại phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA cũng quy định vấn đề này. Theo đó các bên phải có trách nhiệm tôn trọng, thúc đẩy các tiêu chuẩn về quyền tự do liên kết của ILO.

Đề cập đến việc tại sao các hiệp định thương mại tự do liên quan đến buôn bán hàng hóa lại yêu cầu phải thi hành những quy định về quan hệ lao động? Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, đây chính là một trong những điều kiện bảo đảm cạnh tranh công bằng.

“Các nước không quan tâm mặt xã hội chúng ta thế nào, giữa công đoàn và người lao động như thế nào, họ chỉ quan tâm là làm sao cơ chế hình thành giá cả của lao động hay điều kiện lao động phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp ở các nước khác với doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây là yếu tố bảo đảm cho cạnh tranh công bằng và là điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Biến thách thức thành thuận lợi

Nhấn mạnh về những thuận lợi khi tham gia Công ước 98 của ILO, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc này đáp ứng nhu cầu tiến tới ta xây dựng kinh tế thị trường mà hội nhập quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất và xây dựng một quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có hai vấn đề lớn chúng ta phải vượt qua khi tham gia Công ước 98 của ILO: Thứ nhất là làm sao để thúc đẩy thương lượng tập thể một cách thực chất nhưng phải giữ vững được quan hệ cũng như ổn định chính trị và xã hội, nhất là khi chúng ta cho việc ra đời các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bên cạnh tổ chức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chắc chắn là sẽ gặp những thách thức, khó khăn nhất định.

Khó khăn thứ hai đặt ra, trước đây chỉ có một tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bây giờ bên cạnh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn có thể có một số tổ chức đại diện người lao động, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động và giải quyết mối quan hệ đó như thế nào.

“Vấn đề quan trọng làm sao phải biến khó khăn, thách thức đó thành thuận lợi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đề cập về chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi chúng ta tham gia Công ước 98 của ILO và những công ước liên quan, đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Hải Dương băn khoăn liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sẵn sàng và chủ động để tham gia vào quá trình hợp tác với các tổ chức xã hội đại diện cho người lao động tới đây.

Gia nhập Công ước 98 của ILO đáp ứng yêu cầu hội nhập ảnh 2

Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về vấn đề này đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Gia Lai, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc tham gia Công ước 98 của ILO cũng như các công ước khác có liên quan là điều kiện, thời cơ và cũng là thách thức mà tổ chức công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực tốt nhiệm vụ của mình do Đảng và Nhà nước giao. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, thiết kế về mặt tổ chức, hoạt động theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của một số nước liên quan đến hoạt động của tổ chức công đoàn.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, trong đó tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Một là, phải tập trung vào nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; Hai là, tập trung vào việc chăm lo lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp để người đoàn viên đến với tổ chức công đoàn Việt Nam; Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm năng lực, trình độ, ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; Bốn là, xây dựng nguồn lực đủ mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó vấn đề công khai, minh bạch về tài chính, nhất là tài sản công đoàn làm sao tới đây phải thực hiện công khai, minh bạch để thực hiện hiệu quả; Năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động biết đến công đoàn Việt Nam, tham gia với công đoàn Việt Nam.