Triển vọng tiêu thụ yếu, giá dầu xuống thấp nhất 3 tháng
Kết thúc ngày giao dịch 8/11, giá dầu tiếp tục hạ hơn 2% xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng do lo ngại nhu cầu suy yếu. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,64% xuống 75,33 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên tại 79,54 USD/thùng, giảm 2,54% so phiên trước. Như vậy, chỉ trong vòng hai phiên, giá dầu đã đánh mất gần 6 USD/thùng.
Theo Bloomberg, biên lợi nhuận lọc dầu yếu, dự trữ dầu và nhiên liệu tăng cao, cùng với việc tăng trưởng du lịch hàng không chậm hơn dự kiến đã phản ánh tình hình tiêu thụ kém tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nhà phân tích của FGE cho biết, nhu cầu của quốc gia này đã giảm tốc sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Yếu tố tiêu thụ theo mùa khiến mức tiêu thụ xăng và dầu diesel thường giảm trong vài tháng cuối năm, và giá dầu có thể phải đối mặt với rủi ro suy yếu khi đà phục hồi hoạt động du lịch tại Trung Quốc đang dần mờ nhạt.
Theo dữ liệu từ Khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ), dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE, trung tâm cung cấp nhiên liệu lớn thứ ba thế giới, đã ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp trong tuần kết thúc ngày 6/11, tăng 4,8% lên 17,873 triệu thùng.
Tồn kho sản phẩm dầu tăng cao cũng phản ánh triển vọng tiêu thụ kém sắc.
Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 thêm 4 USD/thùng xuống còn 93 USD/thùng, do nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và sản lượng từ Venezuela tăng sau khi các lệnh trừng phạt với nước này được nới lỏng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulgin cho biết, Nga đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu với một số loại xăng, bao gồm xăng Ai 92 và Ai 95. Nguồn cung từ Nga có dấu hiệu gia tăng trở lại xoa dịu áp lực thâm hụt trên thị trường, góp phần gây sức ép lên giá dầu.
Ngoài ra, áp lực bán tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ sau những bình luận từ các quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hai quan chức ECB cho rằng, còn quá sớm để cắt giảm lãi suất và họ sẵn sàng cho một đợt tăng tiếp theo.
Tồn kho cạn kiệt, giá cà-phê phục hồi
Đóng cửa ngày giao dịch 8/11, giá bông tiếp tục giảm hơn 2% so với tham chiếu, nối dài đà giảm sang ngày thứ tư liên tiếp và giá chạm mức thấp nhất trong một năm. MXV cho biết, bên cạnh lo ngại nhu cầu về bông ở mức thấp, thị trường đang tập trung chờ đợi số liệu từ báo cáo cung-cầu nông sản (WASDE) tháng 11.
Giá dầu thô giảm hơn 2% trong phiên hôm qua, khiến giá Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên rẻ hơn. Giá sản phẩm thay thế giảm, kéo theo giá bông đang giao dịch đi xuống. Hơn nữa, thị trường chưa thoát khỏi những lo ngại nhu cầu bông ở mức thấp do nền kinh tế còn ảm đạm.
Cùng chung xu hướng, giá hai mặt hàng đường tiếp tục giảm trong phiên hôm qua. Giá đường trắng mất thêm 0,5% và giá đường 11 thấp hơn 1,38% so tham chiếu. Những lo ngại về nguồn cung vẫn còn nhưng không đủ mạnh để duy trì giá ở mức đỉnh 12 năm.
El Nino khiến dự kiến nguồn cung đường tại Ấn Độ và Thái Lan sụt giảm so niên vụ trước đó. Nhưng thông tin này đã xuất hiện trên thị trường thời gian dài và chưa có cập nhật mới cụ thể hơn, khiến thị trường không còn phản ứng mạnh.
Trong khi đó, mưa có tín hiệu dịu lại tại khu vực canh tác mía đường chính của Brazil, kỳ vọng giúp hoạt động sản xuất và vận chuyển đường có thể bình thường. Theo ước tính từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu đường niên vụ 2023/24 tại Brazil sẽ tăng 15% so vụ trước.
Ở chiều ngược lại, giá Arabica tăng 2,11%, trở lại mức giá cao nhất trong gần 5 tháng. Giá Robusta cũng cao hơn 2,04% mức tham chiếu. Tồn kho Arabica tiếp tục giảm sâu vẫn là yếu tố chính gây áp lực lên khả năng bảo đảm nguồn cung trên thị trường.
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên hôm qua đã giảm 27.414 bao cà-phê bao loại 60kg, đưa tổng lượng cà-phê lưu trữ về mức thấp nhất hơn 24 năm, chỉ với 310.501 bao.
Dù vậy, nguồn cung Arabica cũng nhận được một số tín hiệu tích cực. Liên đoàn cà-phê Colombia cho biết, quốc gia này đã sản xuất 1,16 triệu bao cà-phê trong tháng 10, tăng vọt lần lượt 36%; 30% so tháng trước và cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (9/11), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt hồi phục 700-800 đồng/kg. Theo đó, cà-phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 57.300-58.000 đồng/kg.