Giá dầu lao dốc do lo ngại về nhu cầu suy giảm

NDO - Kết thúc ngày giao dịch 7/11, dầu WTI giảm 4,27% xuống 77,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6. Dầu Brent lần đầu tiên đóng cửa dưới 84 USD/thùng kể từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, chốt tại 81,61 USD/thùng, giảm 4,22%.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, 26 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt giảm giá trong ngày hôm qua (7/11). Sắc đỏ phủ kín bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới kéo chỉ số MXV-Index giảm mạnh 1,97% xuống 2.199 điểm và làm đứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp. Chỉ số giá hàng hóa bị đẩy xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây.

Giá dầu lao dốc do lo ngại về nhu cầu suy giảm ảnh 1

Nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường khi toàn bộ giá các mặt giảm rất mạnh. Trong đó, cả hai mặt hàng dầu thô được giao dịch nhiều nhất thế giới là Brent và WTI đều “lao dốc” hơn 4%. Đây là mức giảm theo ngày lớn nhất trong vòng một tháng qua - tháng giao dịch đầy biến động với mặt hàng “vàng đen”.

Cụ thể, kết thúc ngày giao dịch 7/11, dầu WTI giảm 4,27% xuống 77,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6. Dầu Brent lần đầu tiên đóng cửa dưới 84 USD/thùng kể từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, chốt tại 81,61 USD/thùng, giảm 4,22%. MXV cho biết, lo ngại về nhu cầu suy giảm trong khi sản lượng dự kiến của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gia tăng đã kéo giá dầu lao dốc.

Giá dầu lao dốc do lo ngại về nhu cầu suy giảm ảnh 2

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, mặc dù nhập khẩu dầu thô của quốc gia này trong tháng 10 tăng 7,06% so với tháng trước nhưng tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 10 tiếp tục suy yếu với mức giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và với mức 3,3% theo dự báo của thị trường. Dữ liệu báo hiệu sự đi xuống liên tục về triển vọng kinh tế Trung Quốc do nhu cầu suy giảm ở các quốc gia phương Tây vốn nhập khẩu nhiều hàng hoá của quốc gia này.

Xuất khẩu xăng, dầu diesel và nhiên liệu khác của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 5% so với tháng trước xuống còn 5,17 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng tiêu thụ dầu chậm lại trên toàn cầu.

Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã điều chỉnh dự báo cung cầu dầu thô quý IV năm nay, từ thâm hụt sang thặng dư 200.000 thùng/ngày. Trong đó, nguồn cung quý IV được điều chỉnh tăng mạnh 0,5% so với báo cáo trước, trong khi nhu cầu được EIA nâng thêm 0,2%.

Điều này đưa dự báo trung bình nguồn cung năm 2023 tăng 0,3% so với báo cáo trước, đưa thị trường dầu thặng dư khoảng 340.000 thùng/ngày, so với thặng dư chỉ 210.000 thùng/ngày.

EIA dự báo giá dầu Brent giao ngay chỉ đạt trung bình 83,99 USD/thùng trong năm 2023, nhưng sẽ tăng lên mức trung bình 93 USD/thùng vào năm 2024. Giá dầu Brent năm 2024 cũng được điều chỉnh giảm từ 94,67 USD/thùng.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo tồn kho dầu của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 11,9 triệu thùng so với mức dự đoán giảm 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 3/11, củng cố lực bán trên thị trường.