Theo đó, chỉ số công bố ngày 5/4 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Liên hợp quốc, theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đạt trung bình 118,3 điểm trong tháng 3/2024, tăng 1,3 điểm so với mức 117 điểm của tháng trước.
Chỉ số tháng 2/2024 là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, đánh dấu mức giảm hằng tháng trong tháng thứ 7 liên tiếp của giá lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, số liệu mới nhất của FAO cũng thấp hơn 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực quốc tế đã giảm mạnh so với mức cao kỷ lục vào tháng 3/2022 khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu.
Trong tháng 3, chỉ số giá dầu thực vật của FAO dẫn đầu mức tăng, khi tăng 8% so với tháng trước, với tất cả các loại dầu chính đều tăng.
Chỉ số sữa tăng 2,9%, đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp nhờ giá phô mai và bơ tăng, trong khi chỉ số thịt tăng 1,7%, phản ánh giá gia cầm, lợn và thịt bò cao hơn.
Những mức tăng này vượt xa mức giảm đối với ngũ cốc và đường, lần lượt giảm 2,6% và 5,4% so với tháng 2/2024.
Lộ trình bảo đảm an ninh lương thực bền vững
FAO cho biết giá lúa mì thấp dẫn đến sự sụt giảm của ngũ cốc trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu mạnh, bù đắp cho giá ngô tăng nhẹ một phần do những khó khăn về vận chuyển ở Ukraine.
Trong khi đó, giá đường giảm chủ yếu phản ánh sự điều chỉnh tăng sản lượng dự kiến ở Ấn Độ và tốc độ thu hoạch được cải thiện ở Thái Lan.
Về cung và cầu ngũ cốc, FAO đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới trong giai đoạn 2023-2024 từ mức 2,840 tỷ tấn dự kiến vào tháng trước lên 2,841 tỷ tấn, tăng 1,1% so với mùa trước.
Đối với các vụ mùa sắp tới, cơ quan này đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2024 từ mức 797 triệu tấn vào tháng trước xuống còn 796 triệu tấn, do kỳ vọng giảm đối với các vụ mùa ở Liên minh châu Âu và Anh vì điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số khu vực.
Đối với ngô, FAO cho biết sản lượng thế giới được dự báo sẽ giảm nhưng khối lượng sẽ vẫn trên mức trung bình trong 5 năm qua.