Gia Lai nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 8 năm nay, tỉnh Gia Lai là một trong sáu địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với trung bình trên cả nước. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 17/9, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 1.675 tỷ đồng trong tổng vốn hơn 4.436 tỷ đồng của kế hoạch vốn của năm 2024, đạt 37,8%. Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân vốn của ba Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vẫn đạt thấp.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku) chậm tiến độ 2 năm nay vẫn chưa được khắc phục.
Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku) chậm tiến độ 2 năm nay vẫn chưa được khắc phục.

Các địa phương là chủ đầu tư có mức giải ngân thấp gồm: Huyện Chư Prông 38%, Phú Thiện 38%, Đắk Đoa 39%, Chư Sê 30%, Ia Pa 31%, Kbang 33%, Đắk Pơ 29%, Chư Păh 28% và thị xã Ayun Pa 18%. Có sáu đơn vị là chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh 31%, Chi cục Kiểm lâm 13%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 9%, Ban Quản lý khu kinh tế 10%, Sở Y tế 3%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1%.

Có 35 dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước (40,49%) với tổng kế hoạch vốn là 810,615 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,27% tổng kế hoạch vốn, giải ngân đến thời điểm hiện tại 67,048/810,615 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,2%; trong đó, 17 dự án thuộc ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư và 18 dự án thuộc các sở, ban, ngành làm chủ đầu tư.

Một trong số dự án chậm điển hình như: Dự án đường Nguyễn Văn Linh (thành phố Pleiku); dự án đường liên xã huyện Đắk Đoa; dự án Hồ chứa nước Ia Prat; dự án Đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và năng lực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB - tiểu dự án tỉnh; dự án hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; dự án khu xạ trị và trang thiết bị-Bệnh viện đa khoa tỉnh...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt thấp là do hụt thu tiền sử dụng đất khiến nhiều dự án sử dụng nguồn vốn này không thể triển khai, có khối lượng nhưng không thể thanh toán khối lượng hoàn thành.

Ngoài ra, nhiều dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp hơn so với mức bình quân của cả nước do các chủ đầu tư còn đang ở bước đấu thầu hoàn thiện để phê duyệt dự án, sau đó mới ký hợp đồng thực hiện.

Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Quỹ Phát triển đất cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đối ứng năm 2024 đạt thấp là do một số địa phương xây dựng dự toán kinh phí ứng vốn từ quỹ thực hiện dự án chưa sát với thực tế; quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số địa phương có số vốn ứng quá hạn chưa hoàn trả. Tính đến ngày 20/9, tổng số vốn ứng quá hạn tại Quỹ Phát triển đất vẫn còn tồn nợ hơn 181 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính-đầu tư xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án; đôn đốc, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ; giám sát, kiểm tra quá trình thẩm định hồ sơ, thủ tục của các cơ quan, giảm phiền hà và không kéo dài thời gian trái quy định.

Để phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn 95%, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tích cực theo dõi tình hình triển khai các dự án do các đơn vị phụ trách, tham mưu tổ trưởng công tác và Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công.

Đối với dự án đang thi công, các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo trực tiếp quản lý dự án, tăng cường giám sát hiện trường, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tiến độ và giải ngân của dự án.

Yêu cầu ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án triển khai tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, chủ đầu tư trong giải quyết khó khăn, vướng mắc. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư, đơn vị, tập thể, cá nhân chậm triển khai nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.