Giá khí tự nhiên lao dốc gần 8,5% xuống còn 4,69 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 năm nay; thời điểm trước khi xung đột quanh khu vực Biển Đen diễn ra.
Ở chiều ngược lại, hợp đồng cà-phê Arabica kỳ hạn tháng 3 trên Sở New York bất ngờ dẫn đầu đà tăng của toàn thị trường với mức tăng gần 4% lên 3.826 USD/tấn; mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Dầu thô gặp sức ép, khí tự nhiên lao dốc 8%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, giá dầu suy yếu từ mức cao nhất trong vòng 3 tuần trước một số rủi ro từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, bất chấp nguồn cung không chắc chắn. Giá dầu WTI giảm 0,72% xuống 78,96 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 83,99 USD/thùng sau khi giảm 0,81%.
Sức ép bán trên thị trường dầu thô chiếm ưu thế trong phần lớn thời gian của phiên ngày hôm qua. Các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý khá thận trọng đối với triển vọng năm 2023 trước sự nới lỏng của Trung Quốc có thể làm gia tăng tình trạng lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
Nhiều quốc gia hiện tại đang thiết lập kế hoạch kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh bởi lo ngại sự lây lan dịch bệnh. Phía Mỹ trong ngày hôm qua đã chính thức đưa ra thông báo khách du lịch Trung Quốc cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Điều đó vẫn sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải và gây áp lực tới giá dầu.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang trải qua sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh vẫn gây ra gián đoạn trong hoạt động tiêu dùng và kinh doanh sản xuất, đang là nhân tố chính tạo sức ép tới giá. Các chiến lược gia tại JPMorgan dự báo "đỉnh dịch bệnh có thể xảy ra" trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.
Bên cạnh đó, sự mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng gây ra lo ngại sức tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ có thể làm gia tăng áp lực lạm phát đối với các nền kinh tế lớn như Mỹ. Điều này sẽ gây ra khó khăn cho kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đồng USD tiếp tục tăng trong phiên hôm qua cũng đã gây ra sức ép bán trên thị trường dầu bởi chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, Nhật Bản dự kiến sẽ nhập khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên từ Nga sau hơn nửa năm, khi chính phủ thúc đẩy các nhà nhập khẩu năng lượng dự trữ nhiên liệu trong nỗ lực tránh tình trạng thiếu hụt trong tương lai.
Nhật Bản đã giảm đáng kể nhập khẩu dầu từ Nga, đặc biệt là từ dự án dầu khí Sakhalin-1 kể từ khi xung đột bắt đầu, khi các nhà máy lọc dầu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Việc quay lại nhập khẩu dầu từ Nga có thể hạn chế rủi ro về dòng chảy dầu trên thị trường và hạn chế đà tăng của giá.
Giá dầu chỉ nhận được lực mua nhiều hơn vào cuối phiên do lo ngại nguồn cung dầu thô trên thế giới vẫn đối diện với nhiều rủi ro sau khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và nhiên liệu cho quốc gia áp đặt trần giá.
Các hạn chế này sẽ bắt đầu vào ngày 1/2 và kỳ nghỉ đông của Nga sẽ kéo dài đến ngày 9/1, do đó chính phủ sẽ có một vài tuần để xem xét các bước trả đũa tiếp theo.
Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết, tồn kho dầu giảm trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu tăng trong tuần kết thúc ngày 23/12. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 1,3 triệu thùng, thấp hơn một chút so với con số dự đoán giảm 1,5 triệu thùng.
Nhưng tồn kho xăng tăng phù hợp với dự báo, và đặc biệt tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 390.000 thùng, trái ngược với dự đoán giảm 2,1 triệu thùng, phản ánh nhu cầu khá yếu có thể sẽ tiếp tục gây áp lực tới giá dầu trong phiên sáng.
Trên thị trường khí tự nhiên, giá khí lao dốc 8,46% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay. Theo Bloomberg, xuất khẩu khí tự nhiên của gã khổng lồ Nga, Gazprom sang các thị trường nước ngoài quan trọng đã giảm gần một nửa vào năm 2022, đạt mức thấp nhất kể từ ít nhất là đầu thế kỷ, khi dòng chảy đến châu Âu bị cắt giảm sau căng thẳng tại Biển Đen.
Cụ thể, tập đoàn đã xuất khẩu 100,9 tỷ mét khối nhiên liệu đến các quốc gia chính trong năm nay, giảm 46% so năm 2021. Điều này cũng phản ánh nhu cầu khí đốt suy yếu và kéo giá khí tự nhiên giảm mạnh trong phiên.
Hai mặt hàng cà-phê diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/12, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý là sự bật tăng của Arabica với mức tăng gần 7 cents do những lo ngại về nguồn cung.
Thời tiết diễn biến theo xu hướng tác động tiêu cực đến mùa vụ cà-phê trong niên vụ tới đã kéo giá Arabica tăng mạnh gần 4%. Theo dự báo, khu vực trồng cà-phê tại Brazil sẽ ghi nhận lượng mưa cao hơn bình thường khoảng 60-120mm. Điều này làm gia tăng khả năng ngập úng tại vùng trồng cà-phê chính khi mới tuần trước khu vực này đã đón nhận lượng mưa lên tới 150mm.
Lượng nước tồn đọng quá lớn trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của cây cà-phê, nhiều khả năng có thể khiến sản lượng và chất lượng suy giảm. Bên cạnh đó, đồng Real hồi phục cũng góp phần hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ giá.
Ở chiều ngược lại, Robusta có phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ với mức giảm mạnh gần 3%. Tỷ giá USD/VND kết hợp với nhu cầu đẩy mạnh hàng ra thị trường trước dịp Tết Nguyên đán của nông dân Việt Nam, khiến lực bán tăng mạnh trên thị trường và gây sức ép lên giá.
Sau phiên giảm mạnh hơn 3% trước đó, giá đường 11 trong phiên hôm qua đã có sự điều chỉnh với mức 0.79%. Một mặt gặp sức ép từ việc nguồn cung mở rộng tại Brazil sau số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 và dự báo sản lượng tăng mạnh trong niên vụ 2022/2023 của Conab. Mặt khác, mưa lớn ảnh hưởng đến sản lượng mía đường của Thái Lan và Ấn Độ đã hỗ trợ giúp giá mặt hàng này giằng co trong phiên hôm qua.
Cùng chung xu hướng suy yếu với các mặt hàng trong nhóm, giá bông phiên hôm qua ghi nhận mức giảm hơn 1%. Nguyên nhân cho suy yếu này một phần đến từ việc giá dầu giảm khiến Polyester, chất thay thế chính của bông rẻ hơn và kéo theo giá mặt hàng này đi xuống.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn đôi phần lo ngại về triển vọng tiêu thụ bông trong thời gian tới tại Trung Quốc khi Zero Covid đã được nới lỏng và số liệu mua hàng chưa có sự bật tăng đáng kể. Điều này cũng góp phần khiến giá bông suy yếu trong phiên hôm qua.
Sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây vào đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu cọ đã bất ngờ quay đầu suy yếu và xóa đi hoàn toàn mức tăng trước đó.
Một mặt, lực mua được thúc đẩy bởi thông tin Trung Quốc sẽ ngừng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 bắt buộc với hành khách di chuyển nội địa, động thái được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật tại quốc gia này trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Mặt khác, sức ép từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư đã khiến giá dầu cọ giảm mạnh.
Tồn kho cà-phê nước ta được nhận định đang ở mức thấp
Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ có sự suy yếu nhẹ 100 đồng/kg. Theo đó, giá cà-phê được thu mua trong khoảng giá từ 40.000-40.700 đồng/kg.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy tổng lượng cà-phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà-phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà-phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu kỷ lục 4 tỷ USD trong năm nay.
Theo MXV, lượng tồn kho cà-phê của Việt Nam được nhận định đang ở mức thấp. Do vậy, các chuyên gia dự đoán 2023 sẽ là năm xuất khẩu khó khăn của Việt Nam. Một mặt do sản lượng cà-phê thu hoạch trong vụ hiện tại sẽ bù vào các kho dự trữ. Mặt khác, sản lượng suy yếu cũng làm giảm lượng xuất khẩu của nước ta.