Lãi suất tăng kiềm chế tiêu thụ dầu thô
Giá dầu giảm sau ba phiên tăng liên tiếp trong bối cảnh thị trường hấp thụ những tin tức trái chiều từ các nhà tiêu thụ lớn. Kết thúc phiên 22/12, giá dầu thô WTI giảm 1,02% còn 77,49 USD/thùng, giá dầu thô Brent đóng cửa thấp hơn 1,48% về mức 80,98 USD/thùng.
Sức mua áp đảo trong phần lớn thời gian của ngày, nhờ những kỳ vọng tích cực vào sự hồi phục của thị trường Trung Quốc. Bất chấp việc dịch bệnh đang bùng phát ở nhiều thành phố và số ca nhiễm đang tăng lên, các nhà đầu tư vẫn tin rằng nền kinh tế thứ hai toàn cầu sẽ hồi phục và trở thành một cú hích đối với thị trường dầu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giá giảm trở lại trong phiên tối cùng với cú lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong hôm qua, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh lên mức 3,2%, nhờ sự cải thiện của chi phí tiêu dùng cá nhân. Các số liệu cho thấy, mặc dù lãi suất và lạm phát tăng, nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn vững chắc. Bên cạnh đó, số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần vừa rồi là 216.000, tăng nhẹ so với tuần trước nhưng thấp hơn mức dự báo.
Các thông tin tích cực này làm dấy lên nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất, bởi nền kinh tế Mỹ hiện vẫn vững vàng trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Dầu thô bị bán cùng với tài sản rủi ro khác là chứng khoán, và nhà đầu tư một lần nữa lại đẩy mạnh nắm giữ đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng lên 104,43 điểm.
Một thước đo khác phản ánh lo ngại về nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô, là việc doanh thu của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia giảm tháng thứ năm liên tiếp còn 25,5 tỷ USD. Số liệu mới nhất được công bố là tháng 10, tuy nhiên trong hai tháng gần đây giá dầu tiếp tục giảm và có thể khiến cho doanh thu tiếp tục lao dốc về các mức thấp hơn.
Triển vọng tiêu thụ kém khả quan hiện đang làm lu mờ lo ngại về nguồn cung. Theo tính toán của Reuters, xuất khẩu hỗn hợp dầu thô của Nga có thể sẽ giảm xuống khoảng 5 triệu tấn trong tháng này từ mức 6 triệu tấn trong tháng 11, tương đương với mức giảm 20% do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Nga đang gặp khó khăn trong việc dịch chuyển hoàn toàn dòng chảy xuất khẩu từ châu Âu sang các thị trường khác như Trung Quốc và Ấn Độ.
Vì thị trường tài chính sôi động nhất là Mỹ đang dần bước vào kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm, khiến cho khối lượng giao dịch dầu thô giảm đáng kể, làm gia tăng mức biến động và độ rủi ro. Bên cạnh đó, các cơn bão mùa đông tại khu vực này đang kìm hãm tiêu thụ dầu trong giai đoạn cao điểm di chuyển của năm, và gây sức ép lên giá.
Dollar Index tăng, giá bông giảm kịch sàn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/12, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý lại thuộc về mức giảm mạnh của bông sau báo cáo bán hàng xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Giá bông có phiên giao dịch giảm kịch sàn khi số liệu xuất khẩu bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/12 chỉ đạt 110.400 kiện, giảm mạnh so với lượng xuất khẩu 141.900 kiện của tuần trước đó. Thêm vào đó, Dollar Index tăng, đồng nghĩa với việc giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, khiến lực mua suy yếu và góp phần khiến giá giảm sâu trong phiên hôm qua. Đóng cửa giá bông giảm 4,53%.
cà-phê Arabica quay đầu giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó, đóng cửa giá giảm 0,27%. Mặc dù Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra ước tính sản lượng và xuất khẩu cà-phê trên toàn cầu niên vụ 22/23 giảm so với dự báo trước đó hồi tháng 6, nhưng mức cung ứng này vẫn cao hơn so với niên vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các nước tiêu thụ chính như Mỹ và EU cũng được cơ quan này dự đoán có sự giảm mạnh. Điều này đã gây sức ép khiến giá Arabica quay đầu giảm. Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US tăng liên tục và đang ở mức cao nhất trong hơn 5 tháng cũng góp phần khiến giá suy yếu.
Cùng với đó, dầu cọ đã giảm gần 1,5% do nhu cầu suy yếu. Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 12 của Malaysia đạt 923.642 tấn, giảm 2,1% so với mức 923.642 tấn của tháng trước. Ngoài ra, nhu cầu từ Trung Quốc cũng đang khá yếu khi số ca nhiễm của nước này tăng vọt sau khi ngừng Zero-Covid. Những thông tin trên đang gây sức ép lên giá.
Ở chiều ngược lại, Đường 11 ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp trong tuần với mức tăng 0,67%. Những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn do ảnh hưởng của mưa lớn đến hoạt động thu hoạch của nước xuất khẩu chính là Thái Lan tiếp tục hỗ trợ giá.
Xuất khẩu cà-phê nửa đầu tháng 12 của Việt Nam tăng hơn 26%
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, cùng chiều với giá thế giới, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt giảm 100 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà-phê trên toàn quốc dao động trong khoảng 40.200-40.900 đồng/kg.
Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng lượng cà-phê xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 12 của nước ta đạt hơn 69,9 nghìn tấn, tăng mạnh 26,5% so với mức 55,4 nghìn tấn của nửa đầu tháng 11. Với gần 70 nghìn tấn cà-phê xuất khẩu, Việt Nam đã thu về hơn 156,9 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 1,65 triệu tấn cà-phê, đạt tổng kim ngạch 3,79 tỷ USD, tiến rất sát với mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.