Kết phiên, giá dầu WTI giảm 1,75% về mức 76,98 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 1,15%, xuống 79,76 USD/thùng.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần trước ghi nhận mức tăng 1,4 triệu thùng, trái ngược so với dự báo của thị trường với mức giảm 2,2 triệu thùng.
Trước đó, trong phiên sáng báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ cũng chỉ ra mức giảm mạnh 5,2 triệu thùng. Dữ liệu tồn kho tăng trở lại sau 6 tuần giảm liên tiếp trái ngược với kỳ vọng của thị trường qua đó đã khiến sức ép tiếp tục gia tăng lên giá.
Cũng cản trở đà tăng của giá dầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây đã cắt giảm ước tính năm 2025 về tăng trưởng nhu cầu dầu, với lý do tác động của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đối với tiêu dùng. Điều đó xảy ra sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm nhu cầu dự kiến cho năm 2024 vì những lý do tương tự. Một loạt các chỉ số ảm đạm gần đây đã làm giảm kỳ vọng về hoạt động kinh tế tháng 7 ở Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhu cầu nhiên liệu máy bay phản lực toàn cầu có xu hướng thu hẹp. Tiêu thụ nhiên liệu máy bay toàn cầu đạt trung bình khoảng 7,49 triệu thùng/ngày trong 7 tháng đầu năm, tăng gần 500.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Goldman Sachs.
Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, tăng trưởng nhu cầu từ tháng 8 đến tháng 10 sẽ chỉ ở mức khoảng 400.000 thùng/ngày và điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng thị trường sẽ không đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng 600.000 thùng/ngày trong cả năm nay.
Ở chiều ngược lại, lạm phát tại Mỹ tiếp tục có xu hướng hạ nhiệt, một tín hiệu làm tăng thêm niềm tin vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ lãi suất vào tháng 9. Cụ thể, giá tiêu dùng của Mỹ tăng 2,9% trong tháng 7, mức dưới 3% lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021.