Như vậy, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh bức tranh tiêu thụ kém tích cực từ phía Trung Quốc bất chấp rủi ro từ xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ trong phiên giao dịch cuối tuần cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đã giảm xuống mức 46,8 điểm trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, cũng như đã bỏ lỡ dự báo 51,5 của các nhà phân tích. Đà bán tháo diễn ra mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần sau dữ liệu kém tích cực của nền kinh tế Mỹ với tăng trưởng việc làm của nước này chậm hơn dự kiến trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Trong khi đó, dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 5 cũng đã giảm xuống 49,5 điểm, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng. Những dữ liệu kém tích cực liên tiếp từ phía quốc gia nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới tiếp tục tạo ra sức ép lên thị trường.
Ngoài ra, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 châu Á cũng đang cho thấy sự giảm tốc trong nhu cầu nhập khẩu. Áp lực từ phía Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia được coi là đầu tàu thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu đã đẩy nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm với chỉ 24,88 triệu thùng/ngày, giảm 6,1% so tháng trước đó.
Tính trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu của châu Á đạt trung bình 26,78 triệu thùng/ngày, giảm 340.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2023.
Áp lực trên thị trường cũng được gia tăng sau khi cuộc khảo sát của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ trong tháng trước tăng 100.000 thùng/ngày so với tháng 6 lên mức 26,7 triệu thùng.
Theo Reuters, OPEC đã bơm nhiều hơn khoảng 240.000 thùng/ngày so với mục tiêu với phần lớn đến từ Iraq, bất chấp việc nước này cho biết sẽ cắt giảm nguồn cung để bù đắp cho việc sản xuất dư thừa trước đó.