Giá dầu thế giới giảm sau 5 ngày tăng liên tiếp

Giá dầu thế giới ngày 10/10 quay đầu giảm sau 5 ngày tăng liên tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Trên sàn giao dịch New York, giá dầu WTI giao tháng 11 giảm 1,51 USD (1,6%) xuống mức 91,13 USD/thùng. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent giao tháng 12 cũng giảm 1,73 USD (1,8%) xuống gần 96,19 USD/thùng.

Những lo ngại về nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể giảm do nguy cơ kinh tế suy thoái ngày càng cao và đồng USD tăng giá mạnh được cho là những yếu tố chính tác động tới thị trường.

Tuần trước, giá dầu đã tăng đáng kể, chủ yếu từ quyết định cắt giảm mạnh sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+), nhất trí giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Trong tuần tính đến hết ngày 7/9, giá dầu WTI tăng 16,5% trong khi giá dầu Brent tăng 15%.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong ngày 10/10, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ Nasdaq rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại về khoảng độ siết chặt chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thực hiện và những ảnh hưởng của biện pháp này với nền kinh tế.

Cụ thể, nhóm chứng khoán công nghiệp Dow Jones giảm 93,91 điểm (0,32%), xuống mức 29.202,88. Chỉ số S&P 500 giảm 27,27 điểm (0,75%) xuống 3.612,39. Chứng khoán công nghệ Nasdaq giảm mạnh nhất, 110,30 điểm (1,04%) xuống mức 10.542,1, thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Như vậy, đây là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp được ghi nhận trên Phố Wall trong bối cảnh lo ngại chồng chất về chiến dịch cắt giảm lãi suất mạnh tay của FED có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, cảnh báo kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái trong vòng 6-9 tháng tới và chứng khoán sẽ tiếp tục giảm điểm.

Nhà đầu tư đang thận trọng theo dõi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ chuẩn bị được công bố trong ngày 13/10 để có bức tranh rõ hơn về tình hình lạm phát. Báo cáo lương tại Mỹ trong tháng 9 được công bố hồi tuần trước cho thấy thị trường lao động nước này vẫn khan hiếm nguồn cung, càng cung cấp thêm cơ sở cho FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.