Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 100 nghìn thùng/ngày vào tháng 10 tới.
Quyết định được xem là khá bất ngờ với thị trường năng lượng, bởi trước đó giới chuyên gia nhận định các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới vẫn giữ nguyên sản lượng.
Giá dầu thô đang trong tháng thứ ba liên tiếp hạ nhiệt, chuỗi giảm dài nhất trong hơn hai năm qua. Hồi tháng 3, giá dầu thế giới tiến sát ngưỡng 140 USD/thùng, mốc cao nhất trong 14 năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều yếu tố khiến giá “vàng đen” có xu hướng giảm. Mối lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái ngày một rõ nét.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục thực hiện các lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19. Nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu thành công, sẽ giúp Tehran khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu. Một yếu tố khác khiến hàng hóa nói chung, trong đó có dầu thô, giảm giá là do đồng USD lên mức cao nhất kỷ lục.
Giới chuyên gia nhận định, dù sản lượng dầu cắt giảm lần này không lớn, song quyết định của OPEC+ phát đi thông điệp rằng các nước xuất khẩu sẵn sàng bảo vệ giá dầu.
Mức cắt giảm của OPEC+ chỉ tương đương 0,1% nhu cầu dầu toàn cầu và nguồn cung hầu như không thay đổi, nhưng động thái này vẫn khiến giá dầu lập tức tăng 3%.
Các nhà phân tích năng lượng tại Commerzbank Research nhấn mạnh: Rõ ràng OPEC+ không sẵn sàng chấp nhận thêm bất kỳ sự trượt giá nào và có khả năng sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa nếu xác định điều này là cần thiết.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC+, không ít lần nêu ý tưởng về việc liên minh này có thể cân nhắc giảm sản xuất để kéo giá dầu lên. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nhấn mạnh, OPEC+ có đủ công cụ để đối phó các thách thức, kể cả giảm sản xuất bất kỳ lúc nào.
Tại cuộc họp ngày 5/9, các thành viên OPEC+ cũng nhất trí có thể nhóm họp bất cứ thời điểm nào để điều chỉnh sản lượng cho phù hợp tình hình thực tế.
Nỗ lực của OPEC+ là vậy, song những yếu tố kéo giá dầu đi xuống vẫn hiện hữu. Nhà trắng khẳng định, Mỹ sẽ không thể ngồi yên nhìn dầu tăng giá và Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) sẽ làm mọi điều cần thiết để tăng cường nguồn cung và hạ giá năng lượng.
Tổng thống Biden nêu rõ, nguồn cung năng lượng phải đáp ứng nhu cầu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và hạ giá cho người tiêu dùng Mỹ và thế giới.
Hôm 2/9, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga.
G7 hướng tới việc thiết lập một liên minh rộng lớn nhằm tối ưu hóa hiệu quả của biện pháp, đồng thời hối thúc tất cả các nước dự định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn. Mức giá trần ban đầu dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết.
Cũng tại cuộc họp của OPEC+, quan chức phụ trách năng lượng của Nga đã lên tiếng phản đối kế hoạch của G7 áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga và cho rằng điều này sẽ gây ra tình trạng mất ổn định trên thị trường toàn cầu. Ðiện Kremlin trước đó cảnh báo, Nga sẽ ngừng bán dầu cho những nước áp giá trần đối với tài nguyên năng lượng của Nga.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran bác bỏ việc chính trị hóa thị trường dầu mỏ, đồng thời khẳng định Tehran sẵn sàng hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Phía Nga cho rằng, chính người dân sẽ là những người trực tiếp hứng chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt. Moskva đang nghiên cứu để đánh giá việc áp giá trần đối với dầu nhập khẩu từ Nga sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế.