Nhóm năng lượng dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường. Bên cạnh mức tăng không đáng kể của dầu WTI, tất cả các mặt hàng xăng dầu còn lại đều giảm mạnh đến rất mạnh. Khí tự nhiên đánh mất 7,3%, xuống 8,15 USD/ MMBtu, mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng trở lại đây. Trước biến động rất mạnh của diễn biến giá hàng hoá thế giới, dòng tiền đầu tư trong nước vẫn cho thấy sự ổn định. Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận ở mức 4.300 tỷ đồng.
Dầu thô quay đầu giảm trước áp lực từ thông tin cung-cầu
Giá dầu chịu áp lực trở lại trong phiên giao dịch hôm qua 6/9, khi thị trường không còn nhận được thông tin hỗ trợ. Cụ thể, giá dầu Brent 2,52% xuống 92,83 USD/thùng trong khi giá WTI gần như không thay đổi tại mức 86,88 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường nhận được nhiều hỗ trợ với kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ phát hành các chính sách để hỗ trợ giá như cắt giảm sản lượng. Tuy vậy, con số 100.000 thùng/ngày, tương đương mức tăng sản lượng trong tháng 9, chỉ đẩy mục tiêu sản lượng của OPEC+ về con số trong tháng 8, không đủ sức để duy trì đà tăng của giá dầu. Sau khi tiến đến kháng cự vùng 90 USD/thùng, giá dầu một lần nữa chịu áp lực bán mạnh và hiện đã trở lại sát vùng đáy trong vòng 6 tháng.
Kèm với lực bán kỹ thuật là thông tin của Saudi Arabia cho biết họ cắt giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô xuất khẩu trong tháng 10/2022. Cụ thể, đối với thị trường châu Á, Saudi Aramco giảm giá gần 4 USD/thùng, mức giảm lần đầu tiên trong vòng 4 tháng. Các khách hàng tại Tây Bắc châu Âu cũng được hưởng lợi, với giá Arab Light hiện chỉ còn cao hơn 2,7 USD/thùng so với giá Brent.
Thông tin về giá bán các sản phẩm dầu của Saudi Arabia luôn được thị trường quan tâm, do các đợt tăng-giảm giá dầu luôn phản ánh phần nào cung-cầu thực tế trên thị trường, hoặc ít nhất là kỳ vọng của nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới. OSP giảm cho thấy Saudi Arabia kỳ vọng tiêu thụ dầu trong thời gian tới của các khách hàng sẽ không còn quá cao, do đó việc giảm giá bán để tăng tính cạnh tranh hoặc kích thích nhu cầu là điều cần thiết.
Việc Mỹ tích cực tìm kiếm các đồng minh để lập liên minh áp đặt trần giá dầu cho Nga cũng khiến thị trường lo ngại giá sẽ giảm. Hiện tại, Bộ Ngân khố Mỹ cho biết họ hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tham gia, hoặc ít nhất phần nào tận dụng kế hoạch này.
Các thông tin tiêu cực, kết hợp với Dollar Index hiện tại đã vượt mốc 110 lần đầu tiên trong năm nay, đã gây áp lực đáng kể lên giá hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh nói chung, và cả nhóm năng lượng. Rạng sáng nay không có dữ liệu về tồn kho mới của Viện Dầu khí Mỹ API, do số liệu được lùi 1 ngày vì kỳ nghỉ Lễ Lao động.
Giá đồng nối dài đà hồi phục
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, thị trường kim loại ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều. Đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim tiếp nối đà phục hồi của phiên trước. Giá bạc tăng nhẹ 0,15% lên mức 17,90 USD/ounce, bạch kim tăng tương đối mạnh 1,91% lên mức 833,9 USD/ounce.
Vào tối qua, viện quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ công bố dữ liệu về chỉ số quản trị mua hàng PMI phi sản xuất tăng nhẹ từ mức 56.7 hồi tháng 7 lên mức 56.9 trong tháng 8, cao hơn nhiều so với dự báo 55.1 của thị trường. Tuy nhiên, chỉ số PMI hỗn hợp của S&P Global trong tháng 8 có sự điều chỉnh giảm xuống 44.6 từ mức 45.0 theo thông cáo sơ bộ ngày 23/8. Những thông tin trái chiều tiếp tục đặt ra nghi vấn về mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát nhưng cũng hạn chế những tổn thất về kinh tế. Vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý được thúc đẩy, tuy nhiên, lực mua đối với bạc và bạch kim cũng đã chậm lại trong phiên hôm qua so với phiên đầu tuần khi lo ngại FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất.
Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX đóng cửa tại mức giá 3,46 USD/pound sau khi tăng 1,42% trong phiên hôm qua. Lo ngại về nguồn cung thắt chặt gia tăng sau khi cả hai nước khai thác đồng hàng đầu trên thế giới, Chile và Peru, chiếm khoảng 50% lượng đồng toàn cầu, đều công bố sản lượng tháng 7 suy yếu so với tháng trước đó và so cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, hoạt động luyện đồng toàn cầu hồi phục nhẹ trong tháng 8 chủ yếu nhờ vào khu vực Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi, bù đắp cho sản lượng suy yếu tại Trung Quốc. Chỉ số phân tán đồng toàn cầu của nó, một thước đo hoạt động của nhà máy luyện, đã tăng lên 48,6 trong tháng 8 từ mức 46,5 trong tháng 7. Trong đó, chỉ số phân tán Nam Mỹ đã tăng trở lại 52,1 vào tháng 8 từ mức 37,7 mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2021 vào tháng trước đó. Nguồn cung suy yếu trong khi hoạt động luyện đồng dần phục hồi đã thúc đẩy lực mua và hỗ trợ cho giá.
Ngược lại, giá quặng sắt suy yếu trở lại với mức giảm 0,89% xuống mức 97,02 USD/tấn, bất chấp những cam kết kích thích mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc trong quý III. Hàng loạt thành phố lớn như Thành Đô, Thâm Quyến tiếp tục bị phong tỏa vì dịch bệnh đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn trong hoạt động đầu tư xây dựng và gây áp lực tới nhu cầu sắt thép.
Kỳ vọng khởi sắc của ngành thép nội địa
Trong khi đó trên thị trường nội địa, cuối tháng 8, nhiều doanh nghiệp trong nước bất ngờ thông báo tăng giá thép xây dựng, cao nhất đến 810.000 đồng/tấn, sau gần 4 tháng. Trước đó, giá thép trong nước liên tục giảm 15 lần liên tiếp, với mức hạ 4-6 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, loại thép và vùng miền. Do đó, lần điều chỉnh tăng này đang đem đến kỳ vọng vào sự khởi sắc của ngành sắt thép nội địa vốn đã chịu rất nhiều áp lực kể từ đầu năm đến nay. Triển vọng tiêu thụ có dấu hiệu tươi sáng hơn vào cuối năm nay khi mà nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.