Giá dầu đi xuống khi OPEC+ bất đồng về hạn ngạch sản xuất

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy lực bán áp đảo trên thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 27/11.
0:00 / 0:00
0:00

Chỉ số MXV-Index của 3 trong 4 nhóm hàng chìm trong sắc đỏ, kéo chỉ số MXV-Index chung toàn thị trường giảm 0,54% xuống 2.175 điểm.

Dòng tiền chảy mạnh vào cả 4 nhóm hàng. Trong đó, giao dịch nhóm năng lượng chiếm tới 35,6% tổng giá trị giao dịch của toàn Sở ở mức 4.798 tỷ đồng.

Giá dầu đi xuống khi OPEC+ bất đồng về hạn ngạch sản xuất ảnh 1

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 27/11, giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất đồng quan điểm về hạn ngạch sản xuất.

Cụ thể, giá dầu WTI ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm 0,9% xuống 74,86 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 79,98 USD/thùng, giảm 0,7% so với phiên trước.

Hiện Saudi Arabia, quốc gia đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7, đang yêu cầu các nước khác trong liên minh OPEC+ giảm hạn ngạch sản xuất. Điều này đã vấp phải sự phản đối từ một số thành viên. Các đại biểu cho biết, OPEC+ đang tiến tới thỏa hiệp về vấn đề này trước cuối tuần, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Giá dầu đi xuống khi OPEC+ bất đồng về hạn ngạch sản xuất ảnh 2

Iraq, Nga và Kazakhstan gần đây đã liên tục tăng sản lượng và vượt hạn ngạch. Trong khi đó, việc cắt giảm của các thành viên châu Phi tương đối khó bởi hạn ngạch đã bị điều chỉnh xuống thấp. Ngoài ra, UAE cũng khó chấp nhận giảm sản lượng, do đã đấu tranh trong cuộc họp hồi tháng 6 để nâng hạn ngạch thêm 200.000 thùng/ngày trong năm 2024. Sự bất đồng giữa các thành viên OPEC+ làm giảm khả năng cắt giảm sản xuất sâu hơn, từ đó gây sức ép lên giá dầu.

Ngoài ra, việc Iraq đang nỗ lực nối lại xuất khẩu dầu phía bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, cũng góp phần bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Thứ trưởng Dầu mỏ quốc gia này cho biết, các quan chức dầu mỏ Iraq sẽ gặp các đại diện công ty dầu mỏ quốc tế, và chính quyền Kurdistan vào đầu tháng 12. Cuộc gặp gỡ sẽ tập trung thảo luận về những thay đổi hợp đồng.