Lượng cà-phê vụ hiện tại dần cạn kiệt, kéo theo dữ liệu xuất khẩu hằng tháng đi xuống. Trong khi đó, nguồn cung cà-phê vụ mới dự kiến giảm so vụ hiện tại, về mức thấp nhất nhiều năm do ảnh hưởng từ khô hạn đầu năm.
Nguồn tin từ Reuters cho biết, sản lượng cà-phê Việt Nam vụ 2024-2025 có thể giảm tới 16% so vụ hiện tại do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà-phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Như vậy, sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.
Tổng cục Thống kê ước tính, xuất khẩu cà-phê trong tháng 6 của Việt Nam chỉ ở mức 85.000 tấn, giảm mạnh 40% so cùng kỳ năm 2023 và là tháng đi xuống thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nước ta mới xuất đi 902.000 tấn cà-phê, giảm gần 11% so cùng kỳ năm trước.
Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (9/7), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng mạnh, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 125.9000-127.100 đồng/kg.
Ở chiều ngược lại, giá ca-cao giảm 1,85% về mức 7.705 USD/tấn khi nguồn cung có dấu hiệu cải thiện. Nông dân trồng ca-cao tại Bờ Biển Ngà cho biết, lượng mưa dưới mức trung bình trong tuần trước tại hầu hết các vùng trồng ca-cao chính giúp đất đủ ẩm để hỗ trợ cho vụ chính kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 tới. Đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi nguồn cung từ quốc gia sản xuất ca-cao lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, tình hình xuất khẩu hiện tại vẫn lẹt đẹt do sản lượng vụ 2023-2024 ở mức thấp. Các nhà xuất khẩu ca-cao tại Bờ Biển Ngà ước tính, tính đến ngày 7/7, lượng hàng cập cảng đạt 1,612 triệu tấn, giảm 27,5% so cùng kỳ mùa trước.