Ca bệnh 2270-2271 (BN2270-BN2271) đều là F1 đã được cách ly trước đó, trong đó BN2270 liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng và BN2271 liên quan ổ dịch huyện Kinh Môn. Hiện cả hai bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương).
Tính đến 6 giờ ngày 16-2, Việt Nam có tổng cộng 1.372 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 679 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, hôm nay có 26 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó có 21 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 ở TP. Chí Linh (thông tin các bệnh nhân đang được cập nhật) và năm bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2 đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật Y Tế Hải Dương gồm: BN1933, BN1960, BN1962, BN1966, BN1967.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương, GS, TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế cho biết, trong số các tỉnh, thành phố, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp có khả năng còn kéo dài với 10/12 huyện đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh, đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng với các cụm khu công nghiệp số lượng công nhân lớn (60.000 người), giao lưu đi lại thuận tiện với các địa phương và rất nhiều người đã di chuyển về các địa phương, khu vực trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Công ty Kuroda Kagaku tại Cẩm Giàng đã có 12 ca mắc và hiện hơn 400 công nhân của công ty đã cách ly tập trung.
Về trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 người Nhật Bản đã đột tử tại khách sạn ở Tây Hồ, Hà Nội, Bộ trưởng Y tế cho biết, trường hợp này đã hoàn tất thời gian cách ly tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 17 - 31-1-2021, đủ 14 ngày và đã qua hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Trường hợp này cách ly cùng 34 người khác và qua trích xuất camera, trong thời gian cách ly bệnh nhân thực hiện nghiêm quy định, không có tiếp xúc với bên ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong sáng 15-2 cho thấy, nồng độ virus của bệnh nhân này ở mức độ khá cao nên đưa ra hai giả thiết.
Giả thiết thứ nhất là mới lây nhiễm và có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải là F0. Bên cạnh trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện thêm hai trường hợp nữa cùng công ty với ca người Nhật Bản cũng cho kết quả xét nghiệm có nồng độ virus cao. Do đó nhiều khả năng mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước đó. Bộ đang cho giải trình tự gien và sẽ cho kết quả sau 48 giờ, khi đó mới xác định được chủng virus của bệnh nhân này.
Giả thiết thứ hai là ca bệnh này lây nhiễm từ khu cách ly (khi nhập cảnh vào Việt Nam). Dù có khả năng nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, giả thiết này có mức độ xảy ra thấp, vì 34 người khác cùng đi với bệnh nhân người Nhật và cùng cách ly tại khách sạn đó đều có kết quả âm tính.
Với ca bệnh này, Bộ Y tế cho rằng, Thành phố Hà Nội cần coi đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng, phải triển khai biện pháp khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết những điểm bệnh nhân đến và làm việc. Từ trường hợp này cho thấy các địa phương cần tiếp tục đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19, tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ những trường hợp, nhất là người nước ngoài nhập cảnh từ 15-1 đến nay.