Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng chủ trì cuộc họp báo. Tại buổi Họp báo, Bà Nguyễn Thị Hương đã công bố những số liệu thống kê cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2023.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng đã có xu hướng tích cực so với các quý đầu năm (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,24% của 9 tháng, đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, các chỉ số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trụ vững với mức tăng ổn định khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, bước sang quý IV năm 2023, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó dự báo. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế nước ta cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa xu hướng tích cực, tập trung thực hiện những giải pháp thúc đẩy cỗ xe tam mã để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm.
Kết quả đạt được về phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong 9 tháng năm 2023 theo thông báo của Tổng cục Thống kê như sau:
– Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 4,24%
– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 0,3%
– Số doanh nghiệp thành lập mới: 116.342 doanh nghiệp
– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 9,7%
– Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 5,9%
– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: – 8,2%
– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: – 13,8%
– Xuất siêu: 21,68 tỷ USD
– Khách quốc tế đến Việt Nam: + 374,4%
– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 3,16%
– Lạm phát cơ bản: + 4,49%
– Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên: 52,3 triệu người
– Lao động có việc làm: 51,2 triệu người
– Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động: 2,28%
– Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động: 2,02%