"Bóng rối" được Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh đạo diễn dựa trên kịch bản của nhà văn Vũ Hoàng Hoa. Ngay từ những giây đầu tiên, vở diễn đã gợi lên nhiều suy tư trong khán giả bằng những nhận định dồn dập đầy ám ảnh về sự thật: "Sự thật như củ hành, bóc hết lớp này đến lớp khác chỉ thấy cay mắt, sự thật với người này không phải sự thật của người khác, sự thật ở thời điểm này không phải sự thật ở thời điểm khác...".
Ðể rồi từ đây, "Bóng rối" bắt đầu bằng cuộc trở về nhà của Kiên sau khi nghe tin bố anh - một nghệ sĩ điêu khắc, đột ngột qua đời. Không ai trong gia đình cho anh biết chuyện gì đã xảy ra. Kiên trách người lớn giấu giếm, lừa dối mình. Ðóng mình trong studio của bố với toàn những con rối, Kiên lội ngược về quá khứ để đi tìm nguyên nhân cái chết bí ẩn của bố mình. Cũng từ đây, những lớp màn sự thật dần được hé lộ. Kiên nhận ra dưới lớp vỏ bình yên, không ai trong gia đình anh được hạnh phúc, được sống như mình muốn. Những khát khao trong họ bị chi phối bởi một mạng lưới chằng chịt các trách nhiệm nên mỗi người luôn phải do dự, ngập ngừng, tính toán khi chọn lựa. Họ cũng luôn phải đối diện với những góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn. Ðó là những bí mật khó nói, những tổn thương, sai lầm hay khao khát rất con người nhưng xung đột với những quan điểm, tư tưởng phổ biến của xã hội. Những cuộc chiến ấy chỉ xảy ra ở ranh giới mong manh giữa ý thức và vô thức nhưng mạnh mẽ, khốc liệt. Ấy là cuộc chiến về việc "được sống là chính mình"...
Phải khẳng định, "Bóng rối" là vở kịch không dễ xem bởi chứa sức nặng về chiều sâu tâm lý với những mâu thuẫn, xung đột chìm sâu bên trong. Mạch kịch cũng không diễn ra theo trật tự thời gian, không gian thông thường mà là sự đan cài giữa mơ-thực, hiện tại-quá khứ.
Tác giả Vũ Hoàng Hoa cho biết, kịch bản vở diễn được chị "thai nghén" suốt ba năm, với 26 cảnh diễn được lắp ghép theo dòng chảy đồng hiện của ký ức nên là bài toán khó giải với đạo diễn. Ðây cũng là 1 trong 5 kịch bản đã lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản của Nhà hát Kịch Sydney (Australia) tổ chức hằng năm, được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao về chất lượng văn học. Viết một kịch bản giàu tính thách thức như thế đã không dễ, thể hiện được nó bằng ngôn ngữ sân khấu lại càng khó hơn. Song có lẽ chính những yếu tố mang tính thử nghiệm của kịch bản đã góp phần kích thích những sáng tạo táo bạo của ê-kíp dàn dựng, và thúc ép khán giả không thể xao lãng khỏi mạch kịch với những diễn biến phức tạp trong thế giới nội tâm nhân vật.
Dưới bàn tay tài hoa của Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh, người từng để lại nhiều dấu ấn với giải Ðạo diễn xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020 (vở "Người tốt nhà số 5"-tác giả Lưu Quang Vũ), những điều ẩn mật sâu thẳm vốn được che đậy, giấu kín của những nhân vật trong "Bóng rối" đã được bóc tách, phơi bày một cách đầy khéo léo.
Phá vỡ quy tắc kịch truyền thống, Nghệ sĩ Ưu tú Tạ Tuấn Minh kết hợp với đạo diễn rối, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Chí Kiên đưa nhiều hình thức rối khác nhau như rối bóng, rối mặt nạ... lên sân khấu để kể những câu chuyện, suy tư thầm kín khó diễn tả bằng lời. Rối xuất hiện như biểu trưng cho con người bên trong của các nhân vật khi trải qua những cuộc chiến nội tâm đầy giằng xé, day dứt, tái hiện lại những suy nghĩ, nhận định, cảm xúc hiện ra trong vô thức, đưa người xem đi qua những xúc cảm nghẹt thở, xót xa rồi vỡ òa với sự thật bản thân mình nhận ra. Xuyên suốt vở diễn có sự xuất hiện của hình tượng Baku, một loài linh thú trong thần thoại Nhật Bản có khả năng ăn cả ác mộng và những ước mơ, cũng giống như mỗi lựa chọn của con người luôn có mặt được-mất, tốt-xấu, sáng-tối...
Ðặc biệt, không đi theo lối thiết kế sân khấu truyền thống, họa sĩ Hà Nguyên Long đã mang đến nhiều ngạc nhiên thú vị cho người xem khi chỉ sử dụng những lớp rèm làm bối cảnh diễn tương tác cùng nhân vật. Những lớp rèm khi được người này kéo lại, người kia mở ra, tựa như hình ảnh ẩn dụ cho những lớp sự thật, cũng như cho những ranh giới mà con người không dám vượt qua để được sống là chính mình.
Cách thiết kế này cũng tạo sự cộng hưởng nghệ thuật đầy ấn tượng khi thể hiện những chuyển động tinh tế của bóng rối, bóng người sau lớp rèm bằng công nghệ chiếu sáng. Góp phần làm nên những trải nghiệm nghệ thuật đầy kịch tính của "Bóng rối", không thể không nhắc đến diễn xuất giàu nội lực, khả năng thể hiện được chiều sâu tâm lý nhân vật của dàn diễn viên tài năng, từ các nghệ sĩ gạo cội như Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương (vai bà ngoại Kiên), Nghệ sĩ Nhân dân Việt Thắng (vai dượng hói), đến các diễn viên trẻ như: Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng, mẹ Kiên), Nguyễn Vũ (vai Duy, bố Kiên), Thế Nguyên (vai Cedric), La Thiên (vai Kiên), Minh Thu (vai Linh)... Không chỉ bằng ánh mắt, lời thoại, những động tác vũ đạo, ngôn ngữ cơ thể được các diễn viên thể hiện đầy cảm xúc qua sự hướng dẫn của biên đạo Duy Thành đã thật sự khiến người xem khóc, cười cùng nhân vật.
Thể hiện câu chuyện về những nhân vật cụ thể nhưng "Bóng rối" dường như đã "chạm" được đến những suy tư ẩn sâu trong mỗi người để chuyển tải thông điệp đầy nhân văn về khát vọng được lựa chọn hạnh phúc, được sống thật với chính mình.