Gấp rút xây dựng nhà vệ sinh công cộng

Một khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới vừa được công bố cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh xếp 67/69 thành phố du lịch toàn cầu, chỉ xếp trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, Quận 3. (Ảnh THẾ ANH)
Nhà vệ sinh công cộng tại Công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, Quận 3. (Ảnh THẾ ANH)

Bảng xếp hạng dựa trên số nhà vệ sinh công cộng có trên mỗi km vuông. Có nhiều ý kiến về bảng xếp hạng này nhưng hầu hết đều đồng tình và nhận định bảng xếp hạng nói trên phản ánh đúng thực trạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cho rằng, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua, và không thể kéo dài thêm nữa nếu Thành phố Hồ Chí Minh muốn thu hút khách du lịch một cách bền vững.

Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đón 30 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước và đặt mục tiêu phấn đấu năm 2023 đón 35 triệu lượt khách du lịch, trong đó có năm triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, toàn thành phố hiện chỉ có khoảng 250 nhà vệ sinh công cộng, phần lớn tập trung ở khu vực nội thành nhưng mật độ quá thưa thớt trong khi dân số thành phố với hơn 10 triệu người, đặc biệt khách du lịch, khách vãng lai sẽ gặp khó khăn, bất tiện khi muốn tiếp cận nhà vệ sinh công cộng.

Chưa kể nhiều nhà vệ sinh công cộng đã hư hỏng, xuống cấp không sử dụng được. Đây là thực trạng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khách du lịch đến với TP Hồ Chí Minh nhưng không mặn mà quay trở lại.

Thiếu nhà vệ sinh công cộng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phóng uế bừa bãi, gây mất mỹ quan môi trường đô thị của thành phố. Năm 2022, gần 3.260 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, trong đó có nhiều hành vi tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng. Đây là con số thống kê từ các cơ quan chức năng, trên thực tế, việc phóng uế, tiểu tiện nơi công cộng diễn ra khá nhiều.

Người dân ở TP Hồ Chí Minh, nhất là khách du lịch hy vọng thành phố sẽ có động thái quyết liệt, xây dựng được hệ thống nhà vệ sinh công cộng mới, tương xứng với thành phố văn minh, hiện đại vốn từng được ví là “Hòn ngọc viễn đông”.

Năm 2016, thành phố có đề án triển khai xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân và hàng chục triệu du khách đến với thành phố mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án vẫn chưa triển khai được, nếu như không muốn nói là “phá sản” với lý do không có quỹ đất để xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

Khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, các đơn vị liên quan của thành phố vận động các cơ sở như bưu điện, cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe... tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh bên trong các khu vực này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là giải pháp trước mắt, để giải quyết triệt để, thành phố cần phải quyết liệt bắt tay vào quy hoạch, đầu tư, xây dựng thêm nhà vệ sinh theo hướng hiện đại, tiện nghi, bảo đảm các yêu cầu về mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường.

Thành phố cũng nên kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác, xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh một cách sạch đẹp, khai thác và quản lý hiệu quả để phục vụ tốt cho người dân, du khách. Đồng thời, thành phố đôn đốc các địa phương khẩn trương cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ đối với các nhà vệ sinh công cộng hiện hữu.