Gặp mặt người làm công tác bảo tồn văn hóa truyền thống

NDO - Ngày 15/3, Huyện ủy Lạc Sơn (Hòa Bình) tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dịp Xuân Giáp Thìn 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Sở Văn Hóa-Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện Lạc Sơn.
Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Sở Văn Hóa-Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo huyện Lạc Sơn.

Tại buổi gặp mặt, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã trao đổi, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho sự nghiệp giữ gìn, phát huy nền văn hóa địa phương.

Cũng tại buổi gặp mặt, lãnh đạo huyện đã ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Mong các nhà nghiên cứu, sưu tầm, báo chí tiếp tục lưu giữ, tìm tòi, ghi chép lại những giá trị văn hóa có nguy cơ mai một; các nghệ nhân mo Mường, hát dân ca Mường phát huy sứ mệnh, vai trò người nắm giữ di sản văn hóa...

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong huyện đã tập trung triển khai, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Cùng với đó, công tác quản lý về di sản văn hóa trên địa bàn được tăng cường. Toàn huyện có 196 điểm di tích, danh thắng được tiến hành kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa vật thể, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 13 di tích danh thắng cấp tỉnh. Các di sản văn hóa phi vật thể gồm tiếng nói, chữ viết, trang phục, mo Mường, chiêng Mường, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca… được bảo tồn; nghề thủ công truyền thống, các lễ hội truyền thống được coi trọng khôi phục.

Đến nay, huyện có 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, trong đó có 7 nghệ nhân ưu tú và 1 nghệ nhân nhân dân. Công tác truyền dạy các di sản văn hóa được quan tâm thực hiện. Đội ngũ nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, báo chí không ngại vất vả, khó khăn trong việc lưu giữ tư liệu quý về di sản văn hóa.

Các nghệ nhân mo Mường hoạt động tích cực, góp sức khôi phục các bài mo truyền thống, sưu tầm những áng mo đã bị thất truyền để truyền lại cho thế hệ kế cận. Các câu lạc bộ mo Mường, câu lạc bộ hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên thu hút ngày càng nhiều thành viên, những người có chung tâm huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tham gia sinh hoạt.