Gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội

NDO - Sáng 19/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì buổi gặp mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ.

Tới dự, có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đặc biệt là 150 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang học tập, công tác, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

75 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm thực hiện ngày càng tốt hơn.

Quán triệt chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn quân triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực.

Tính riêng từ năm 2017 đến nay, các đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 402 tỷ đồng; xây dựng hơn 4.028 nhà tình nghĩa, với số tiền hơn 302 tỷ đồng; phụng dưỡng 2.879 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, với số tiền hơn 101 tỷ đồng; hỗ trợ gia đình quân nhân hy sinh, bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 400 nghìn lượt đối tượng chính sách, với số tiền gần 20,4 tỷ đồng; trao 2.849 sổ tiết kiệm tặng đối tượng chính sách, với số tiền hơn 10,8 tỷ đồng; tham gia tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ với 69.105 ngày công; tặng trang, thiết bị y tế, trang, thiết bị dùng chung cho các trung tâm nuôi dưỡng người có công và một số trung tâm điều dưỡng người có công; đỡ đầu Làng Hữu nghị Việt Nam; hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin số tiền hơn 54,8 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tồn đọng sau chiến tranh bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng.

Với sự chủ động sâu sát thực tiễn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và đối tượng chính sách, ngành Chính sách quân đội đã chủ trì nghiên cứu, đề xuất giúp Quân ủy Trung, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trình Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước; chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (hơn 4,4 triệu lượt người được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí).

Qua quá trình triển khai thực hiện, Bộ Chính trị đánh giá đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc; được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và đối tượng chính sách đánh giá cao.

Để thân nhân của các đồng chí đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chưa tìm kiếm quy tập được hài cốt yên lòng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, sớm ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm cao, từ năm 1975 đến 2012, các đơn vị địa phương trong toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập hơn 939 nghìn hài cốt liệt.

Đặc biệt, năm 2013 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 24; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1237 phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Quyết định 150 phê duyệt Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, do vậy, công tác này được triển khai bài bản, đồng bộ, quyết liệt hơn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách, công tác bảo đảm với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, góp phần bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.

Các địa phương, đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được gần 18 nghìn hài cốt liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN, các cơ quan chức năng đã thực hiện lấy hơn 38 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích được 23 nghìn mẫu, góp phần tích phục vụ tích cực cho công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, được Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, toàn quân đã phát động đợt thi đua cao điểm “Uống nước nhớ nguồn, tri ân người có công với cách mạng”; cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Ngoài một số hoạt động thường xuyên như hằng năm, kế hoạch hoạt động đền ơn đáp nghĩa dịp này tập trung vào các nội dung cơ bản, như: Tiếp tục tham gia phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa tặng người có công với cách mạng; trao sổ tiết kiệm tặng đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tặng quân phục, áo ấm cho thương, bệnh binh; xem xét tuyển dụng, giải quyết việc làm đối với thân nhân liệt sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đấu tranh phòng chống tội phạm; tổ chức gặp mặt, biểu dương người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội.

Gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội ảnh 1

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”; toàn quân luôn phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; luôn quan tâm, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và chính sách hậu phương quân đội một cách tích cực, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, tạo động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao, biểu dương những đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong quân đội đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống của Quân đội, địa phương và gia đình, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và chính sách hậu phương quân đội trong thời gian tới, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người có công và thân nhân liệt sĩ trong Quân đội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác chính sách đối với người có công và thân nhân liệt sĩ, nhất là Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Trên cơ sở đó, làm cho mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương Quân đội và người có công là một nội dung lãnh đạo quan trọng của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp; để từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất, coi đó vừa là nhiệm vụ, vừa là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân.

Đồng chí mong muốn, các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, của Quân đội, chủ động bám sát thực tiễn, kịp thời tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành đồng bộ các chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội; phối hợp tham gia nghiên cứu, hoàn thiện chính sách người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, tính chất hoạt động quân sự và nhu cầu chính đáng của các đối tượng, tạo động lực thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng...

Gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội ảnh 2

Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi gặp mặt.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng Tổ quốc ghi công tặng 10 thân nhân liệt sĩ; Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Vũ Đức Đam trao quà của Bộ Quốc phòng tặng năm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 10 thân nhân liệt sĩ.

Gặp mặt đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội ảnh 3

Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường trao Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng tặng 150 đại biểu người có công và thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác.

Cũng tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang và Đại tướng Lương Cường trao Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng tặng 150 đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ đang công tác trong quân đội, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.