Gặp mặt các nhà khoa học trong và ngoài ngành công an

NDO - Đội ngũ trí thức, nhà khoa học công an đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Vai trò và vị thế của đội ngũ trí thức, nhà khoa học ngày càng được khẳng định, nhất là trong công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, chiến lược và lịch sử.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh buổi gặp mặt.
Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Trong không khí lịch sử hào hùng của những ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức buổi gặp mặt các nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu lý luận, khoa học, chiến lược và lịch sử của ngành công an, phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang và Thứ trưởng Công an, Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng Lê Quốc Hùng chủ trì gặp mặt.

Gặp mặt các nhà khoa học trong và ngoài ngành công an ảnh 1

Các đại biểu tham dự họp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, ngành công an có một đội ngũ trí thức, nhà khoa học ngày càng trưởng thành lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; đã có hàng trăm nhà khoa học tiêu biểu, nòng cốt, có thành tích lao động sáng tạo, vượt trội trong hoạt động khoa học được vinh danh, được nhà nước công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ. Họ là những nhà khoa học, chuyên gia trí thức bậc cao, là đại diện cho lực lượng lao động sáng tạo nhất đã và đang cống hiến trên hầu hết lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng.

Trung tướng Lê Quốc Hùng khẳng định, đội ngũ trí thức, nhà khoa học công an đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh.

Trong thành tựu chung của công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ và nghiên cứu chiến lược của lực lượng Công an nhân dân, ngoài sự nỗ lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong ngành còn có sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học, các trí thức ở các bộ, ngành, nhất là các trung tâm, các viện nghiên cứu lớn như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương…

Gặp mặt các nhà khoa học trong và ngoài ngành công an ảnh 2

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại gặp mặt.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang khẳng định, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương luôn quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong Công an nhân dân; đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược về giáo dục, đào tạo, về khoa học, công nghệ, về lý luận trong Công an nhân dân…; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp huy động đội ngũ trí thức ngoài Công an nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự…

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, việc nghiên cứu hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như xây dựng chiến lược an ninh quốc gia, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là điều cấp thiết.

Để làm được điều này, rất cần sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân sớm thảo luận, làm rõ và tham mưu với Đảng, Nhà nước thống nhất nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta.

Do đó, Thượng Tướng Lương Tam Quang giao Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an chủ trì thực hiện, huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành công an sớm hoàn thành.

Bộ trưởng Công an mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được những đóng góp của đội ngũ trí thức Công an nhân dân, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng lực lượng công an “tinh, gọn, mạnh” và đến năm 2030 tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhất là trong chuyển đổi số, góp phần đổi mới các nhiệm vụ, giải pháp công tác công an.

Các chuyên gia, nhà khoa học ngoài ngành Công an nhân dân quan tâm, tích cực tham gia các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong tham mưu các chủ trương, chính sách; đấu tranh phản bác các tư tưởng sai trái, thù địch. Đồng thời, huy động đông đảo trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.