40 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Những cô gái lái xe Trường Sơn

Những cô gái tuổi đôi mươi ôm vô-lăng băng mình qua tuyến lửa chở hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, rồi lại chuyển thương binh ra miền Bắc an dưỡng, điều trị. Họ được các chiến sĩ thời ấy ví như những đóa hồng sau tay lái...

Các nữ lái xe Trường Sơn bên chiếc xe tải từng gắn bó những năm chiến trường.
Các nữ lái xe Trường Sơn bên chiếc xe tải từng gắn bó những năm chiến trường.

Bóng hồng sau tay lái

Ðến bây giờ, khi đã bước qua tuổi lục tuần, nhớ về Trường Sơn, chị Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban liên lạc Ðại đội nữ lái xe Trường Sơn lại lần giở xem những bức ảnh được chụp nhanh ở chiến trường. Có những lúc gương mặt chị bỗng rung lên, cố mím chặt đôi môi để kìm nén sự xúc động. Cuối năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, các chị người về đơn vị trọn đời cống hiến cho quân đội, người chuyển ngành, người về địa phương với ruộng đồng, vất vả mưu sinh, nhưng ký ức về những ngày tháng lái xe trên con đường Trường Sơn thì mãi mãi tươi mới trong tâm hồn họ.

Ðó là vào năm 1968, trên chiến trường Trường Sơn, Mỹ - ngụy tăng cường lấn chiếm bằng bộ binh, huy động số lượng lớn máy bay đánh phá ngày đêm ngăn chặn dọc đường số 9 và các cửa khẩu dọc ngang của các con đường, gây cho ta nhiều khó khăn trong vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm... cho các chiến trường. Ðúng thời điểm ác liệt ấy, Ðảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra một quyết định táo bạo, thành lập trung đội, sau này là đại đội Nữ lái xe Trường Sơn mang tên nữ anh hùng Quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh để hỗ trợ cho lực lượng cửa khẩu, hỗ trợ cho lực lượng lái xe nam phải đi vào chiến trường trọng điểm. 40 cô gái được tuyển chọn vào đại đội, và chỉ sau 45 ngày đêm học lái, sửa chữa xe tải quân sự, các chị đã lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt.

Ðoàn xe của các chị thường hành quân ban đêm, đi trong ánh sáng mờ của "đèn rùa". Ðường núi cheo leo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Nơi các chị đi qua là các cửa khẩu địch đánh phá vô cùng ác liệt, suốt ngày đêm không ngớt tiếng gầm rít của máy bay, tiếng nổ chát chúa của bom, đạn, rốc-két. Sự sống và cái chết gần như cách nhau gang tấc, chính vì thế trước những chuyến đi nhiều chị được đơn vị làm lễ "truy điệu sống". 40 cô gái ở tuổi đời chỉ mười tám đôi mươi, sức vóc nhỏ bé vẫn kiên cường vượt cung tăng chuyến đều đặn vào ra, không để nhỡ ngày, nhỡ giờ của kế hoạch vận chuyển. "Hồi ấy nhiều lái xe nam ra trận đã biết đến đoàn xe con gái, do bị cản đường vì xe hỏng không dám một mình xuống sửa. Có chị còn sợ bóng đêm, bảo lùi nhất quyết không lùi, nói rằng không có số lùi, các anh sửa chữa hộ để rồi cùng tiến. Khi lái xe làm nhiệm vụ chuyển thương binh, chị em còn là những hộ lý, xoa dịu những nỗi đau của thương binh trên đường về trạm điều trị", chị Hòa kể. Một vinh dự lớn với các chị là năm 2014, Ðại đội nữ lái xe Trường Sơn được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nữ đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng Anh hùng.

Chị Bùi Thị Vân, người được khen là đẹp người, đẹp nết, bao giờ cũng xung phong nhận việc khó về mình, có cây số an toàn cao nhất đại đội. Chị kể, cuối năm 1970, trong một chuyến xe chở thương binh từ chiến trường về quân khu điều trị, có một chiến sĩ là Trần Ðừng bị thương nặng ở chân, không đi lại được nên chị đã cõng người đàn ông lên xe. Chị đã không thể nhớ được bao nhiêu thương binh mình đã chở về hậu cứ, nhưng với chuyến xe chở anh thương binh Trần Ðừng trở thành chuyến xe định mệnh. Trở về đơn vị chị đã nhận được những lá thư đầy yêu thương. Anh là con trai Hà Nội, lúc ấy anh cũng là lính lái xe, thuộc Binh trạm 32, Ðoàn 559. Mối tình của họ ngày đó có những trở ngại như anh ít hơn chị hai tuổi, chỉ là lính bình thường trong khi chị là lính lái xe già dặn, lại là chính trị viên đại đội. Nhưng bằng tình cảm chân thật, yêu nhau thật lòng họ đã đến với nhau, đám cưới được tổ chức năm 1974. Bây giờ, mái ấm gia đình chị Vân có năm người con đều đã trưởng thành, cuộc sống ổn định.

Những cô gái lái xe Trường Sơn ảnh 1

Chị Bùi Thị Vân bên con cháu hôm nay.

Ðời thường hôm nay

Không phải ai trong đại đội ngày ấy trở về đời thường cũng có cuộc sống gia đình trọn vẹn như chị Bùi Thị Vân. Trong chuyến trở lại đường Trường Sơn và vào thăm TP Hồ Chí Minh tháng 3-2015, được các vị lãnh đạo của thành phố mang tên Bác tiếp đón, chị Nguyễn Thị Hòa đã có những tâm sự khiến nhiều người nghe lặng lẽ che khóe mắt: "Phải đến năm 1997 chúng tôi mới tìm được đầy đủ, đại đội may mắn không có ai hy sinh, nhưng 19 chị vẫn mang trên người những di chứng của chiến tranh, là thương binh. 13 chị mỗi người về một đơn vị, người chuyển ngành thì có lương hưu, 27 chị còn lại nhiều người không xin được việc trở về địa phương làm ruộng, mở cửa hàng buôn bán nhỏ để bảo đảm cuộc sống. Và, một phần ba số chị em lấy chồng nối gánh giữa đường, có chị làm mẹ không được làm vợ, có chị làm vợ không được làm mẹ, thậm chí có chị bây giờ vẫn còn đơn chiếc và rất nhiều chị cuộc sống quá vất vả". Bản thân chị Hòa cũng lập gia đình với người đàn ông vợ mất, có ba con nhỏ. Chị sinh được cô con gái dù khi ấy đã ở tuổi ngoài bốn mươi...

Chị Vũ Kim Dung, quê Hưng Yên, được coi là người bền bỉ với vô-lăng nhất, bởi hòa bình chị được chuyển về Cục quản lý xe - máy, Tổng cục Kỹ thuật lái xe cho đến ngày về hưu với quân hàm đại úy. Nhớ lại, trước khi đi thanh niên xung phong ở Yên Bái, một trong những công trường lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ xây dựng sân bay dã chiến, chị đã có người yêu. Ngày đó mọi người ai cũng hăng say phục vụ chiến trường, hưởng ứng phong trào ba khoan (khoan yêu, khoan cưới, khoan có con), mấy lần anh gửi thư giục về cưới chị đã không về mà vào Nam để trở thành nữ lái xe. Hòa bình, ở tuổi 40 chị vẫn chưa cùng ai. Mãi sau này, cảm thương một người không may vợ mất đang nuôi ba con nhỏ, chị đã đến với anh bằng một đám cưới có sự tham dự của ba người con riêng của chồng. Lấy chồng muộn, số phận đã không cho chị một đứa con. Chị dồn tâm thương yêu con chồng như chính con đẻ của mình. Ðến nay các người con đều đã thành đạt và có gia đình riêng. "Nếu không kể ra rất ít người biết tôi đang sống cùng các con riêng của chồng, bởi các cháu yêu thương tôi hết mực", chị Kim Dung chia sẻ.

Cùng là đồng hương với chị Kim Dung song chị Trần Thị Loan, chị Nguyễn Thị Thanh không có gia đình riêng. Chị Thanh về làng làm ruộng sống với mẹ già. Mẹ chị nay đã mất, một mình chị còn lại trong ngôi nhà cấp bốn được Tỉnh đoàn xây tặng. Niềm an ủi với những người như chị Loan, chị Thanh giờ đây là tình đồng đội trở thành điểm tựa tinh thần. Thương nhau, muốn chăm sóc động viên nhau nốt quãng đời còn lại, Ðại đội nữ lái xe Trường Sơn nhiều năm nay hằng năm gặp mặt toàn chị em một lần vào dịp 22-12 tại Hà Nội. Họ đã chung tay giúp những chị ở xa còn khó khăn về gặp mặt và yêu thương đùm bọc như chị em một nhà. "Chị Phùng Thị Viên, đại đội trưởng lúc còn sống đã luôn dặn chúng tôi: Ðời đã không quên chúng mình thì chị em chúng mình càng đừng bao giờ quên nhau", chị Hòa nhớ lại.

Lần nào gặp lại các chị cũng đầy nụ cười và nước mắt. Những ngày tháng Tư lịch sử này, chị Nguyễn Thị Thanh là thương binh, thường gọi điện cho chị Nguyễn Thị Hòa: "Mình mong tới ngày họp mặt để về Hà Nội gặp các bạn quá. Mình nhớ đồng đội lắm rồi"...