Hội thảo có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc với năm nhà Nobel Vật lý, Hóa học, Kinh tế và Hòa bình (GS David Gross - Nobel Vật lý 2004, GS Jerome Friedman - Nobel Vật lý 1990, GS Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học 2002, GS Jean Jouzel - Nobel Hòa bình 2007 và GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế 2004) cùng 250 nhà khoa học trong và ngoài nước xoay quanh chủ đề "Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi" và "Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững”.
Các hoạt động trên nằm trong chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016. Lễ kỷ niệm và hội thảo quốc tế do Hội Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) phối hợp với các đơn vị quốc tế liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt có rất nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel đến Việt Nam, đưa khoa học tiên tiến trên thế giới đến với Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khoa học công nghệ là động lực vô cùng quan trọng cho phát triển bền vững, giúp Việt Nam vươn lên để thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng cần được chú trọng, đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho năng lực quốc gia. Ông cam kết tạo mọi điều kiện để Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; cũng như tăng cường hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho xây dựng Trung tâm ICISE tại tỉnh Bình Định.
Cũng theo Phó thủ tướng, việc bảo đảm an ninh lương thực, tiến bộ y học duy trì sự sống, bảo vệ môi trường giữ cho trái đất xanh, tất cả đều dựa trên phát minh bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học cơ bản. Thành tựu khoa học là di sản chung của nhân loại, tham gia làm giàu cho di sản ấy là vinh dự và trách nhiệm của tất cả mọi quốc gia. Thế giới đang trước nhiều thách thức như xung đột, chiến tranh, môi trường bị tàn phá, các nhà khoa học và công trình khoa học có vai trò quan trọng trong kiến tạo hòa bình, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, đe dọa đến sự phát triển bền vững, tương lai hành tinh này.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là chủ đề ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn. Từ đó, chúng ta giải quyết được những thách thức của nhân loại như đói nghèo, bệnh dịch, năng lượng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.
Theo Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Hội thảo có các chủ đề chính như tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; chuyên đề khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; nghiên cứu cơ bản và hòa bình; nghiên cứu cơ bản và khí hậu; nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; nghiên cứu cơ bản và sự giáo dục cơ bản toàn cầu, kiến thức và công nghệ; chuyên đề nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác quốc tế…
Hội thảo là dịp đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam với những chủ đề đặc thù của các nước này; tạo cơ hội để các nhà khoa học trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các nhà khoa học quốc tế trồng và chăm sóc cây trong khuôn viên Trung tâm ICISE Quy Nhơn.